Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp mà chỉ là một người yêu thích lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam. Có thể nói lịch sử Việt Nam là các cuộc kháng chiến liên miên chống giặc ngoại xâm phương Bắc và những trang sử viết về triều đại nhà Trần với ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông là những trang sử hay nhất, hào hùng nhất.
Tôi đã được đọc nhiều tiểu thuyết viết về thời kỳ này như: Trên sông truyền hịch; Bên bờ Thiên Mạc; Trăng nước Chương Dương; Khúc khải hoàn dang dở (hay Người Thăng Long) của Hà Ân, Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Thăng Long nổi giận của Hoàng Quốc Hải... Song tất cả các cuốn tiểu thuyết nêu trên đều chỉ miêu tả, khắc họa về cuộc kháng chiến chống lại quân Nguyên Mông lần thứ ba với trận Bạch Đằng lịch sử thì chỉ được nhắc đến trong một vài chương của cuốn Đất Việt trời Nam của Đan Thành.
Một câu hỏi đặt ra với tôi là một trận đánh lẫy lừng mà nhiều người từng ví như "Lưu danh thiên cổ" hay làm "Lu mờ nhật nguyệt" kia, trận đánh đã đưa tên tuổi của Trần Hưng Đạo trở thành một trong những vị tướng tài giỏi nhất thế giới sao không có cuốn tiểu thuyết nào mô tả một cách chi tiết, tỉ mỉ?
Xuất phát từ câu hỏi đó, tôi đã để tâm và dành nhiều thời gian sưu tầm tài liệu, kết hợp với hư cấu để viết nên cuốn tiểu thuyết này. Tuy có hư cấu, song xuyên suốt toàn bộ nội dung cuốn sách, tôi không hề sử dụng lối thần thánh hóa cá nhân hoặc sự kiện, không đưa các tình tiết có tính mê tín vào trong các câu chuyện, nhằm một mục đích chứng minh mọi sự thành bại của con người đều do sức mạnh, ý chí và sự thông minh của chính con người mà thành.
Xin trân trọng giới thiệu!