Biển và chim bói cá lấy bối cảnh thời bao cấp. Cận hơn là không khí sống, lao động, yêu thương và bon chen quanh một xí nghiệp quốc doanh đánh cá trên biển. Truyện không có nhân vật chính, chỉ phơi ra hàng chục gương mặt của những con chim bói cá ở cả trên biển lẫn trên bờ. Thế giới của những người trực tiếp đánh giậm trên biển đầy nhọc nhằn nhưng lắm tiếng cười; nhộn nhạo nhưng rất cô đơn; khát khao yêu thương nhưng lúc nào cũng thiếu thốn. Thế giới của những kẻ ăn theo trên bờ cũng đông đúc, bon chen với đầy mưu mô và thủ đoạn.
"Có thể xem Bùi Ngọc Tấn là một người kể chuyện thuần theo lối truyền thống, kể bằng sự kiện, nhưng lại không thể nói ông là nhà văn bị lệ thuộc vào hiện thực ở cái vỏ diễn tiến bề ngoài. Ông viết văn như người thiền quán tưởng từng hơi thở, mỗi chi tiết của cuốn sách óng lên một nỗi suy tư day dứt và cả tình cảm mãnh liệt của người viết đối với quê hương, với những nghịch lý thản nhiên đến lạnh lùng của hiện thực vượt khỏi những tiêu chí đạo đức và làm người vẫn được mặc nhiên thừa nhận. Bùi Ngọc Tấn thuộc số người viết văn nhắc ta một cái quyền, quyền được sâu sắc…"