"Giống như một bộ phim, cảnh mở đầu là một cái chết được báo trước. Nhân vật chính được mô tả nằm đó, tuyệt vọng, bị bao vây, bị đạn xuyên thủng bụng, hắn chỉ còn một viên cuối cùng trong ổ đạn, để dành cho mình.
Cảnh tiếp theo, là hồi ức của hắn về người tình, về những cuộc phiêu lưu, về muôn vàn lý do vừa có lý lại vừa phi lý, những cơn hoang tưởng điên rồ, đã dẫn đến cái kết cục bạo lực, cái tình thế tuyệt vọng của hắn. Theo cách đó, câu chuyện dần dần được kể lại. Những hình bóng giai nhân đi qua cuộc đời hắn, biến đời hắn trở thành một mớ bòng bong, thành một cơn ác mộng, thành con đường một chiều không thể quay ngược lại, chỉ có thể dấn bước, đến những quyết định cực đoan, phi lý.
Thế nhưng, quả thật như người ta vẫn nói: văn là người. Rất khó để có thể viết khác đi. Dù có cố gắng viết Bóng giai nhân sao cho dễ đọc với đa số, tôi vẫn tiếp tục thử thách lòng kiên trì của độc giả, bằng những cơn hoang tưởng và suy ngẫm độc thoại của nhân vật, bằng lối hành văn đôi khi ngúc ngoắc, uể oải. Tôi không cố ý, mà có lẽ nó là một sự sắp xếp của vô thức, cái nhạy cảm của riêng mỗi nhà văn, nó là tố chất, là sự lơi lỏng của ý thức và tư duy, khi người viết cứ viết mãi, viết mãi, và cuối cùng rơi vào tình trạng mất kiểm soát, anh ta chập chờn đi giữa mơ và tỉnh, mê sảng. Đó là lúc rất nguy hiểm, cuốn tiểu thuyết có nguy cơ phá sản. Hoặc cũng có thể ngược lại, người viết sẽ chạm vào mỏ vàng...
…Bóng giai nhân giống như một mê cung, bạn hãy thử lạc vào đó một lần xem sao”
- Đặng Thiều Quang