Tiểu thuyết dày gần 200 trang, dựng nên câu chuyện cũ từ thời gần tiền khởi nghĩa, đặt trên bối cảnh xã hội có thật trong lịch sử của một vùng đất, kể về cuộc đời một cô gái người dân tộc Tày xinh đẹp tên Mai, từ thân phận tôi đòi như nô lệ, trở thành vợ một thanh niên tên Chúng rồi tham gia vào Việt Minh, giải phóng chính mình và những thân phận giống mình... Ở đây, trong cuốn tiểu thuyết này, cả chồng cô và những nhân vật khác quanh cái “trung tâm Mai”, bị cuốn rất tự nhiên, khá tất nhiên vào cơn bão cách mạng cúa vùng núi Việt Bắc chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và bọn quan lại, tay sai của chúng.
Chuyện li kì, các tình huống đan nối nhau, bắt đầu là cái chết của chồng Mai, một người đã hy sinh vì cô, mang lại tự do cho cô khởi đầu bằng cả đàn gia súc lớn, sau lại mang tới cho cô những hạnh phúc thật sự của tình yêu đôi lứa. Từ cái gốc ấy, sau khi chồng mất, để trả thù nhà, là một câu chuyện dài khi Mai cũng theo cách mạng và hy sinh...
...Cánh chim kiêu hãnh rất gần gũi sự thật của đời sống nhân dân vùng sắc tộc phía Bắc và nó cũng sử dụng motip bi kịch: Tình yêu và cái chết. Chỉ có khác là với Đỗ Bích Thúy, nhà văn quân đội trẻ và viết khỏe này, thêm một gạch nối giữa Tình yêu với cái chết bằng “Con đường dẫn nhập lí tưởng giải phóng” để đi tới sự tự do của con người, trong đó có tự do của tình yêu. Sự tự do của Mai có được bắt đầu từ tình cảm của Chúng và được nuôi dưỡng, chăm bẵm bằng tình cảm và sự khao khát cúa đôi lứa. Nhưng hạnh phúc hiếm hoi giữa thời “kim ngân phá luật lệ” vừa thăng hoa đã bất chợt vụt tắt khi Chúng bị bắt, bị chặt đầu thị uy. Đây là đỉnh điểm của nỗi đau đớn khiến cuộc đời Mai ngoặt sang một hướng khác. Biến một cô gái Tày nết na nhu mì trở thành một chiến sĩ cách mạng, hơn thế trở thành biểu tượng cánh chim đại bàng kiêu hãnh trên rừng núi phía Bắc. Hình tượng Mai, với hệ thống nhân vật quanh cô, kể cá mối tình đơn phương bị giấu kín của Sinh với cô đã khiến cho câu chuyện rất đời mà lại phản ánh được sự vùng lên trở thành một lực lượng cách mạng của “những kẻ đói rách thường bị áp bức”. Những người muốn hay không cũng phải vùng lên.