"Cũng đã lâu rồi, nay mới lại được đọc một cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh theo một cách viết lạ, lớp người trải qua chiến tranh đọc cũng được, mà lớp trẻ không biết chiến tranh đọc cũng được. Nói cho đúng thì góc nhìn chiến tranh trong Cõi đời hư thực là góc nhìn của hai thế hệ: thế hệ từng cầm súng đổ máu trong cuộc chiến và thế hệ hưởng thành quả sau hoà bình lập lại. Lại nữa, chiến tranh trong Cõi đời hư thực là hệ quả của chiến tranh, là cái đằng sau cảnh đầu rơi máu chảy, cảnh bom rơi đạn nổ, chiến tranh được nhìn bằng hệ qui chiếu: Đất nước đã kết thúc chiến tranh, nhưng gia đình chị cuộc chiến tranh mới lại bắt đầu. Câu chuyện xảy ra trong một gia đình ở bối cảnh những năm thập niên 90 của thế kỷ trước - nghĩa là đã sau 20 năm chiến tranh kết thúc, mà hiện lên cả một cuộc chiến tranh tàn khốc, đẫm máu, bằng cách nhìn của những người trong cuộc và không trong cuộc: Anh Củng - một sỹ quan cấp cao, một anh hùng quân đội, người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ; chị Mạ, vợ anh Củng, người ở hậu phương chịu đựng hệ quả từ cuộc chiến, con gái Củng và Mạ là cô kỹ sư trẻ tên Quế - đại diện cho thế hệ trẻ; bên cạnh còn có nhân vật Bằng - một phụ nữ cũng trạc tuổi với Mạ nhưng lại tham gia chiến đấu ngoài mặt trận và là người chịu thiệt thòi nhất do chiến tranh gây ra. Câu chuyện thực ra chỉ xoay quanh cái gia đình nhỏ bé, hai thế hệ để giải quyết một việc mà chiến tranh để lại: Căn bệnh quái gở của anh Củng, nhưng đọc nó lại thấy cả một cuộc chiến tranh khốc liệt, mà những tác phẩm văn học viết về chiến tranh khác còn ít đề cập đến...
Cõi đời hư thực viết về chiến tranh nhưng thế hệ trẻ ngày nay đọc nó lại thấy chính mình, chính vì vậy mà dễ đọc, dễ cảm.
Gấp cuốn sách lại, trong đầu lại diễn ra cuộc vật lộn bởi một cuộc chiến tranh mới, đó là thành công của Cõi đời hư thực." - T. N