Trong tiểu thuyết Đám Cưới Không Có Giấy Giá Thú, nhà văn Ma Văn Kháng đã phản ánh được cái bi kịch của một nhà giáo, một tri thức, anh ta lúc thì đóng vai một nhà hiền triết, một nhân cách cao cả và thánh thiện nhưng lại bị ném vào một môi trường mà các giá trị tinh thần đang bị đảo lộn: một môi trường bị ô nhiễm, bị băng hoại về đạo đức và nhân phẩm: lúc thì hiện ra như một con người mơ mộng và lãng mạn, hay đỏ mặt vì mặc cảm và sĩ diện nhưng lại bị nhúng chìm trong cái biển đời thường dung tục, ở đó hàng ngày diễn ra cái cảnh chen lấn, cướp đoạt một cách trâng tráo, vô sỉ, lúc là một người say mê nghề nghiệp, nhiều hoài bão và khát vọng, muốn chiếm lĩnh các đỉnh cao khoa học nhưng lại bị vây bủa bởi một xã hội thực dụng và cơ hội, một xã hội tiêu thụ đang lên cơn sốt với những đam mê và khoái lạc, với khát vọng làm giàu, khát vọng chiếm đoạt quyền lực bằng bất cứ giá nào!
Nhân vật anh giáo Tự phảng phất một mô-típ đã quen thuộc trong văn xuôi Việt Nam và thế giới: lúc là Đôn Ki-hô-tê một mình một dáo dũng cảm xông lên đánh nhau với lũ yêu quái, lúc lại là ông giáo Thứ đang sống mòn và chết mòn trong sạch một cách thụ động ở cái trường tư ngoại ô, lúc là một Hoàng thân Mưt-skin, một Pi-e Bô-du-khốp nhưng nhuốm màu sắc triết học phương Đông. Ma Văn Kháng đã viết về cái “bi kịch vỡ mộng” của một “bữa tiệc dang dở, một đám cưới không thành, một cuốn sách hay để lầm chỗ” đó một cách rất tâm huyết, với tất cả suy nghĩ và trăn trở, niềm khát vọng và nỗi đau của một nhà văn trước thời cuộc, trước tình trạng xuống cấp về trình độ tư duy và phẩm chất đạo đức ngay trong một số người tự cho mình là cán bộ lãnh đạo, là trí thức hoặc kỹ sư của tâm hồn.
Ma Văn Kháng đã nói lên được cái tâm sự có thật của những trí thức có tâm huyết, có hoài bão. Cách lý giải có thể còn phải bàn cãi, nhưng điều đáng trân trọng là tấm lòng trung thực và trong sáng của người cầm bút, là những trang viết chân thành và xúc động.
(Phan Cự Đệ)