Thông qua Gia Phả Của Đất, dưới cảm hứng nhận thức, và đánh giá lại lịch sử, tác giả “được mệnh danh là cây bút của làng quê viết về nông thôn có hạng” đã cho chúng ta thấy được cái nhìn sâu sắc và toàn diện về bức tranh nông thôn của một làng quê miền Bắc vật vã chuyển mình sau 30 năm, đó là hình ảnh trọn vẹn, đa chiều, phức tạp của một đất nước mang văn hóa truyền thống nông nghiệp lúa nước. Tiểu thuyết không chỉ phản ánh hiện thực nông thôn theo mô hình hợp tác xã làm ăn theo cơ chế cũ, cơ chế quan liêu bao cấp mang tính cộng đồng, tập thể thực hiện dưới sự áp đặt của một bộ phận lãnh đạo đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, mà còn mang âm hưởng chính luận và tính phản biện sâu sắc cũng như tính dự báo xã hội được tác giả thể hiện trong cặp đôi tác phẩm. Có lẽ, vì thế mà tiểu thuyết Thủy Hỏa Đạo Tặc nằm bẹp dí trong ngăn kéo các nhà xuất bản mười lăm năm (1982-1996). Với Đồng Sau bão (tập 2) cũng thế, những vấn đề về phẩm chất cán bộ, nạn tham nhũng, sự tha hóa, thói đạo đức giả của nhiều cán bộ chủ chốt, đến giờ vẫn đang là những vấn đề nhức nhối.
Sẽ là thiếu sót nếu ta không nói đến những nghệ thuật tiêu biểu mà nhà văn đã thể hiện trong bộ tiểu thuyết. Tác giả đã rất linh hoạt trong sáng tạo đan xen giữa các thể loại cùng một tác phẩm. Sự giao thoa giữa tiểu thuyết và thơ, các thể loại hòa quyện vào nhau rất nhịp nhàng uyển chuyển. Cùng với cách sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ, biểu trưng và nhiều kênh ngôn ngữ như thư từ, nhật ký... làm cho tiểu thuyết mang tính sinh động, hấp dẫn và giàu sức lôi cuốn người đọc. Với lối kết cấu kết thúc mở của tác phẩm, đó là khoảng trống mà tác giả muốn dành cho người tiếp nhận tác phẩm một chút băn khoan, suy ngẫm và đồng sáng tạo cùng nhà văn trong cuộc sống đời thường. Mỗi trang viết của Hoàng Minh Tường “còn dồi dào bút lực và lắm biến tấu, phá cách ra trò nghĩa là vẫn còn trẻ và gây bất ngờ thú vị”( lời nhà văn Ma Văn Kháng). Nhà văn đã thổi hồn vào từng con chữ. Qua đó, chúng ta thấy được trong tác phẩm sự chuyển hóa, đan cài vào nhau giữa cái cao cả, cái thấp hèn, cái bi và cái hài, chất luận đề và chất trữ tình, chất văn xuôi và chất thơ... Đó là thành công không phải ai cũng làm được. Đồng thời tạo nên phong cách riêng và góp phần làm phong phú thêm thể loại tiểu thuyết Việt Nam.
Nếu ai chưa một lần biết đến những năm tháng vất vả, gian khổ và cả những hi sinh mất mát cũng như chưa thấy được bộ máy chính quyền xã huyện làm ăn như thế nào ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng nước ta thời ấy, hãy tìm đọc nhân dịp tiểu thuyết Gia phả của đất tái bản, để một lần được sống trong cảm giác một thời đã qua ở vùng nông thôn miền Bắc. Và phần nào thấu hiểu cuộc sống cũng như con người nông dân sau đổi mới mà bằng tài năng và lòng đam mê nhiệt huyết trên con đường sáng tạo nghệ thuật, Hoàng Minh Tường đã khắc họa nên trong bộ tiểu thuyết xuất sắc này.
(Nguyễn Thị Thu Hằng)