Với Lê Lựu, ở cả truyện ngắn và tiểu thuyết, người đọc đều dễ dàng nhận ra miền đất quen thuộc của nhà văn là làng quê, đồng bãi, với dòng sông, con đê làng, luống khoai, vồng cải... Lê Lựu viết về nông thôn bằng sự thông hiểu và những âu lo về sự biến đổi từng ngày ngay trong từng ngôi nhà, từng thửa đất. Sự quan sát tinh tế cộng với vốn sống phong phú về nông thôn và khiếu hài hước đã đem lại cho tiểu thuyết của ông nhiều chi tiết rất "đắt"... Nếp sống của “người nhà quê” theo chân nhân vật vào tiểu thuyết của Lê Lựu thật ấn tượng, như cách biểu lộ tình cảm qua lời chào mời rối rít, chộp tay lắc lắc, hay thói quen sống tuềnh toàng, ăn uống xì xoạp, ăn xong ngồi xỉa răng nhanh nhách, hoặc như việc tiết kiệm kiểu dồn lẫn các thức ăn thừa vào nhau để dành cho bữa sau. Nhà văn thấy ở đó là cái hồn nhiên chất phác của người dân quê khác biệt rõ rệt với lối sống thị thành. Ông viết về nông thôn với tình cảm tha thiết của người đã sinh ra và lớn lên nơi đây có cả niềm khắc khoải về cuộc sống và số phận những người quê đã “nhuốm bụi” phố phường. Và ông không thể không thừa nhận rằng tư duy làng xã, tâm lý tiểu nông đã cản trở đáng kể đời sống của họ, nhất là khi họ cố gắng để hoà nhập với nếp sống thành thị.