"Hoan Châu ký" không ghi rõ tên tác giả. Nhưng vẫn có thể thấy một phần câu giải đáp qua việc so sánh cách ghi thế thứ trong "Hoan Châu ký" (ứng với loại gia phổ của dòng họ Nguyễn Cảnh viết theo dạng tiểu thuyết chương hồi), với cách ghi thế thứ trong hai cuốn gia phổ khác cũng của dòng họ Nguyễn Cảnh hiện còn được lưu giữ tại Nghệ An. Chỗ giống nhau giữa ba bản phổ ký là đều ghi chép đầy đủ sáu thế hệ đầu của dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An, từ Nguyễn Cảnh Lữ đến Nguyễn Cảnh Kiên. Phần khác nhau trong từng cuốn gia phổ do vậy sẽ trở thành tiêu chí tự nhiên để phân biệt gia phổ của chi họ này với gia phổ của chi họ khác trong dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An nói chung. Bản gia phổ viết theo dạng tiểu thuyết chương hồi như "Hoan Châu ký" bắt đầu ghi khác từ Nguyễn Cảnh Quế, ta có thể gọi đây là loại gia phổ của chi họ Nguyễn Cảnh Quế. Điều đó có nghĩa tác giả của "Hoan Châu ký" là người liên quan trực tiếp đến chi họ này. Tuy nhiên người soạn sách không muốn lộ diện mà chỉ muốn tác phẩm của mình như là món quà chung của dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An hiến dâng cho cả nước.
"Hoan Châu ký" là một bộ tiểu thuyết, một tập dã sử và còn được xem là một cuốn gia phổ. "Hoan Châu ký" cũng có những mặt hạn chế nhất định về mặt gia phổ học. Vì ham gửi gắm các "Truyện tích cổ kim", tính chất "sử" của dòng họ ít nhiều bị loãng. Do khuynh hướng tiểu thuyết hóa, một số chi tiết đã hư cấu, ảnh hưởng đến độ tin cậy của phổ ký. Mặc dù có một số mặt hạn chế trên nhưng "Hoan Châu ký" vẫn có nhiều đóng góp về văn học, sử học và gia phổ học... đáng ghi nhận. Đây là lí do mà sách đáng được chia sẻ đến nhiều bạn đọc.