Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng câu chuyện của một nhân vật được gọi bằng “Anh” tìm đến khu du lịch Cửa Núi ở huyện Nguyên Thủy xa xôi. Tại đây Anh gặp một cô gái được tạm đặt bằng cái tên “Son Phấn”. Hai người thực hiện một cuộc hành trình bí ẩn và kỳ thú. Họ đã lọt qua trận đồ đá để bước vào hẻm núi của tộc người Mã, những hậu duệ của một binh đoàn thất trận năm xưa với những ngôi làng đá rùng rợn và ám ảnh. Rồi họ lại vượt qua một trảng cỏ tranh với sự truy đuổi của trăn hoa và cọp xám để lạc vào vùng đất của tộc người Khi, một tộc người có lịch sử ra đời gắn liền với truyền thuyết ăn não người của bậc đế vương, chứng kiến một lễ hội dâng óc kinh hoàng tại dinh thự ẩn sâu trong lòng đất. Cuộc hành trình lại tiếp tục đưa họ đến với tộc người Mụ với vô vàn những tập tục kỳ lạ để cuối cùng cả hai bước vào một biệt điện nguy nga dành cho nữ tộc trưởng hoang dâm và quyền lực.
Nếu việc thám hiếm Cửa Núi là chiều dọc của cuốn tiếu thuyết thì ở chiều ngang của nó là ngồn ngộn những chi tiết hãi hùng gợi lại cuộc chiến của đất nước K đắm chìm trong nạn diệt chủng, là những cảnh đời u buồn, hoảng loạn bởi những chấn thương tâm lý khủng khiếp, là những cảnh đời, cảnh người nghiệt ngã, cảm động, bi thương, là những cật vấn về cái chết và sự sống, là tình yêu và những khúc hoan ca xác thịt kêu gọi mầm dục thiêng liêng, là sự kiệt quệ của thể xác chứa những rối bời nhân tính trước dòng thác xói mòn tâm hồn mà nếu không có một bản ngã mạnh mẽ được nâng đỡ bởi những trầm tích văn hóa thì không đủ nội lực vươn lên và đứng vững.
Cuối cùng thì câu hỏi Cửa Núi là gì, câu chuyện được miêu tả trong cuốn tiểu thuyết có thật hay chỉ là một thế giới khác, không hiện hữu dưới ánh mặt trời, cũng lóe ra ở cuối cuốn sách, nhưng câu trả lời chính xác nhất lại nằm ở chính độc giả, những người dõi theo số phận của nhân vật ngay từ những trang đầu tiên.
Anh là ai? Son Phấn là ai? Hai nhân vật chính không tên, không tuổi, không lý lịch xuất thân, chỉ được hé lộ thân phận vào những trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, đủ để hấp dẫn độc giả đi hết gần 300 trang sách, đưa bạn đọc vào một cuộc thám hiểm có một không hai, cho đến khi cái đích hiện ra, và nó không nằm ở đâu khác mà nằm ngay trong chính tâm hồn bạn.
-------
Lịch sử Việt Nam giai đoạn qua đầy thiếu khuyết. Cải cách ruộng đất, đã có vài tác phẩm động cập đến, nhưng chưa nhiều, chiến tranh biên giới Tây Nam càng hiếm hơn nữa. Hoang Tâm của Nguyễn Đình Tú nằm trong dạng hiếm ấy. Nhưng Hoang Tâm không phải là tiểu thuyết sử thi, nơi người đọc hi vọng tìm thấy ở đó những trận đánh lớn, những chiến lược thể hiện vai trò và tài năng của các tướng lĩnh, hay tinh thần chiến đấu của binh sĩ các bên tham chiến. Nguyễn Đình Tú muốn nhấn vào khía cạnh khác, nhỏ lẻ và phân mảnh. Cho nên, nó người hơn.
Hiện thực hơn cả hiện thực, siêu tưởng quá siêu tưởng - là điều người đọc bắt gặp liên tục ở tiểu thuyết này. Các chương tiểu thuyết được Nguyễn Đình Tú khéo léo sắp đặt xen kẽ, cho câu chuyện dẫn dắt hiện thực ở hai chiều đối nghịch có mặt và bổ khuyết cho nhau, để cuối cùng tất cả trở về với hiện thực bình thường. Rất có hậu.
Hiện thực hơn cả hiện thực, bởi chỉ trong chiến tranh, bản chất con người mới lộ ra đầy đủ và rõ nét nhất. Cái bản chất người, rất người không thể che giấu. Khi đối mặt với cái chết, cái chết xảy đến bất cứ lúc nào, quanh ta, bên cạnh ta, với đồng đội ta và kẻ thù ta, và cả với ta, con người sẽ chỉ phản ứng và phản ứng đầy bản năng. Ở đường biên sống và chết, sinh phận con người thường trực đánh đu với may rủi xảy đến trong tích tắc. Xấu và tốt, nhát hèn và dũng cảm, tội ác và hình phạt, hi vọng và tuyệt vọng... Tất cả đều vượt quá, siêu việt khỏi suy nghĩ và tưởng tượng, yêu ghét và toan tính của sinh hoạt ngày thường. Vượt quá, đến không thể chịu đựng nổi. Nhiều người lính trở về sau cuộc chiến thường xuyên bị ám ảnh máu me và chết chóc, và tội lỗi và hi sinh và chịu đựng quá sức chịu đựng... đến trầm cảm, là vậy.
(Nhà thơ Inrasara)
Hoang Tâm lôi kéo người đọc bằng hàng loạt tiểu tiết mộng, ảo, kỳ bí, dựa trên những huyền sử về một vài tộc người đã từng tồn tại, và rồi đã dần mất tích trên mặt đất. Để rồi lại dựng người ta tỉnh lại bằng hiện thực, một góc hiện thực quá hiếm hoi trong văn học Việt: chiến tranh biên giới Tây Nam.
Hoang Tâm là sự kết hợp cùng lúc: giọng văn truyền thống, cách dẫn chuyện hiện đại, cốt truyện hiện thực huyền ảo, nhịp và ngữ hậu hiện đại.
(Nhà văn Võ Thị Xuân Hà)
Sẽ thấy gì sau khi đọc Hoang Tâm? Người bình thường bị hấp dẫn bởi những chuyện kỳ thú. Người thích cảm giác mạnh thì thỏa mãn trước những pha chết chóc, máu me, man rợ. Người có chút lãng mãn thì thấy sơn thủy hữu tình, cảm xúc yêu đương lai láng. Còn người có máu nghiên cứu thì ghi nhận về cách nhìn và thái độ của nhà văn về những trầm tích văn hoá.
(Nhà văn Nguyễn Đức Thiện)
Nếu như nhân dân của nước láng giềng khổng lồ phương Bắc biết đọc Hoang Tâm bằng Việt ngữ, nếu như bè lũ diệt chủng Polpot, hay là bè lũ Bin Laden biết đọc Hoang Tâm bằng Việt ngữ thì họ khắc hiểu thông điệp mà tác giả “Hoang tâm” truyền đi qua tác phẩm này. Đó là nhân tính, là tình người, là khát khao sống bản năng sung sướng thỏa mãn tứ khoái, là khát khao truyền giống, là khát khao làm đẹp, hướng thiện…
(Nhà văn Triệu Xuân)
Hồi hộp, tiết tấu nhanh, càng lúc càng dồn dập, ngập tràn những hình ảnh kinh dị và hoành tráng, kịch tính câu chuyện mỗi lúc được đẩy lên cao, làm khán giả quay cuồng với hàng loạt phỏng đoán và không thể dời mắt để mau chóng biết được kết thúc như thế nào.
(Nhà phê bình Đoàn Minh Tâm)
Về tác giả:
Nhà văn Nguyễn Đình Tú sinh năm 1974 tại Kiến An, Hải Phòng. Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội (1996). Tu nghiệp sĩ quan tại Trường Quân chính Quân khu 3 (1996 - 1997). Từ năm 1997 đến 2001 công tác tại Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 3. Từ năm 2001 công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội. Hiện là Trưởng Ban Văn xuôi tạp chí Văn nghệ quân đội. Phó Ban nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác phẩm chính đã xuất bản: 6 tập truyện ngắn và các tiểu thuyết: “Hồ sơ một tử tù” (2002); “Bên dòng Sầu Diện” (2006); “Nháp” (2008); “Phiên bản” (2009), “Kín” (2010), Hoang tâm (2013).
Giải thưởng văn học: Giải thưởng truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội, 1999. Giải thưởng tiểu thuyết NXB Công an nhân dân phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, 2002. Giải thưởng văn học 10 năm Bộ Công an. Giải thưởng văn học 5 năm Bộ Quốc phòng.