"Viết về khởi nghĩa Lam Sơn nhưng tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân không bao quát toàn bộ mười năm kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi và nghĩa quân. Ông chỉ chọn thời điểm đại quân Lam Sơn kéo về trại Bồ Đề để chuẩn bị việc kết thúc cuộc kháng chiến: bên kia sông, đạo quân viễn chinh của tổng binh Vương Thông đang thoi thóp trong thành Đông Quan.
Chiến thắng là điều không còn phải bàn cãi. Nhưng vấn đề là thắng theo cách nào: phá thành, giết quân xâm lược không còn một mống, hay làm thế nào đó để chúng phải hạ giáp quy hàng và ta có thể thắng mà không cần đổ máu? Hai khả năng này “xẻ” triều đình Lam Sơn thành hai phe đối lập: một bên là nhóm Thăng Long, đứng đầu là Nguyễn Trãi; bên còn lại là các tướng lĩnh Lam Sơn đã theo Lê Lợi ngay từ buổi đầu tụ nghĩa.
Các tướng lĩnh Lam Sơn, qua sự tái hiện của Nguyễn Quang Thân, là những người mang đậm tính cách võ biền, ít học, thô lỗ. Họ thật sự là những chiến binh dũng cảm khi đối mặt với quân xâm lược. Nhưng trong khí thế xung trận hừng hực của họ, ngoài phần căm thù còn có phần rất đậm của những bản năng hoang dã - chi tiết Lê Ngân chém rụng đầu hai tù binh cho bõ ghét khi Lê Lợi vừa đi khỏi đã phản ánh rất rõ bản năng này. Họ khát khao được tấn công và chiếm thành Đông Quan để tính sổ với quân thù, cũng là để có dịp hưởng thụ đàn bà và vơ vét của cải với tư cách kẻ chiến thắng. Dĩ nhiên họ phản đối việc cho Vương Thông hàng.
Trong khi đó ở phía đối lập, với chủ trương giành chiến thắng mà không gây đổ máu, giữ sĩ diện cho quân đội “thiên triều” để tránh những hậu quả về sau, Nguyễn Trãi đã hiện diện đơn độc giữa cái triều đình đậm chất quân sự ấy như một nghịch phách: ông bị phản đối, bị chế giễu, bị chèn ép (thân phận của người trí thức giữa những kẻ cường quyền vô học, đó cũng chính là môtip chủ đề xuyên suốt các tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thân).
Không giống như nhà văn nữ người Pháp Yveline Féray trong tiểu thuyết Vạn Xuân, Nguyễn Quang Thân không đưa vĩ nhân lịch sử Nguyễn Trãi trở lại chiều kích con người bằng cách khai thác một trong những khía cạnh nhân bản nhất của con người: tình dục, mà ông quan tâm đến việc mô tả Nguyễn Trãi tính toán chơi ván cờ vua chúa với Lê Lợi, bỏ qua đám tướng lĩnh võ biền. Và Nguyễn Trãi đã thành công.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là nhân vật Lê Lợi hoàn toàn thụ động. Nguyễn Quang Thân không tước bỏ ở ông vua khai mở triều Hậu Lê những nét thô lậu của một thổ hào người Mường miền núi Thanh Hóa, nhưng bên cạnh đó ông vẫn nhấn mạnh những phẩm chất khác người của Lê Lợi - những phẩm chất làm nên một đại nhân, những phẩm chất đế vương, có thể nói vậy.
Đó là gì? Là khả năng chung sống với cái dị kỷ nếu nó có lợi: Lê Lợi không ưa những người trí thức Thăng Long, nhất là Nguyễn Trãi, nhưng ông cần họ để đạt được mục đích của mình (khi không cần nữa ông sẽ xuống tay: cái chết của Trần Nguyên Hãn là một ví dụ). Là khả năng nhẫn tâm đến mức có thể hi sinh người thân - bà vợ thứ hai mà ông rất đỗi yêu thương - cho quyền lực.
Từ mâu thuẫn giữa Nguyễn Trãi với các tướng lĩnh Lam Sơn như đã mô tả trong Hội thề, hoàn toàn có thể hiểu tại sao sau này Nguyễn Trãi phải chịu thảm tử ở vụ án Lệ Chi viên. Ngoài ra, phải kể tới ở Hội thề một ngôn ngữ văn xuôi mang khả năng tạo dựng bối cảnh và không khí lịch sử khá cao. Đó là những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết này." - Nguyễn Hoài Nam