Lối đi ngay dưới chân mình! Đó là một câu nói chúng ta thường hay tự an ủi chính mình mỗi khi lại gặp khó khăn, bế tắc hay phải đương đầu với những đổi thay, khác biệt. Khi phải đưa ra quyết định, phải lựa chọn cho mình một hướng đi trong tương lai, chúng ta lại bỏ ra nhiều thời gian để băn khoăn, suy nghĩ: Đâu là con đường đúng đắn nhất dành cho mình, con đường ai cũng đã đi hay một con đường mà con tim mình mách bảo? Bạn à, không nhất thiết cứ phải lựa chọn con đường mà nhiều người đã đi qua thì chúng ta mới với được tới thành công, tại sao bạn không thử làm Christopher Columbus một lần nhỉ? Sẽ thú vị làm sao khi chúng ta tự khai phá cho riêng mình một “vùng đất”, một không gian - nơi chúng ta có thể thỏa sức mơ ước, khao khát và tiếp lấy năng lượng để thực hiện từng bước những nguyện vọng to lớn... Thật tình cờ khi câu nói mầu nhiệm kia cũng chính là tên tập sách của tác giả Nguyễn Lê My Hoàn. Câu chuyện của tác giả thân quen lắm, bình dị lắm nhưng sao quá đỗi đáng yêu, đáng trân trọng. Đọc truyện, không chỉ để chúng ta biết thêm một cuộc đời, một phận người mà để chúng ta nhận ra rằng: Mỗi bước đi của chúng ta đang dần mở ra một lối nhỏ vào đời, hãy cứ mạnh dạn mà nhấc chân vì có ngày, khi tới đích, bạn sẽ khiến nhiều người thán phục đấy!
Nhân vật chính trong tập truyện Lối đi ngay dưới chân mình của Nguyễn Lê My Hoàn là cô gái sinh trưởng trong một gia đình không mấy khá giả tại một làng quê nghèo, lam lũ. Cô gái kể về chính cuộc đời của mình một cách tự nhiên, hồn hậu và cũng thật xúc động. Cô học phổ thông trường huyện rồi theo học đại học ở Hà Nội, khi ra trường thì lại vào thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm vận may. Cô cũng luôn tự nhủ rằng: Không có bà con họ hàng thân thích, không có tiền, cũng không có tài nghề gì đặc sắc thì cái gian nan là cầm chắc. Nhưng, cô không sợ, không kêu than, tự mình ứng xử với những khó khăn thường nhật mà cô gặp phải. Tất nhiên, cô là một người tốt nên gặp được bạn bè tử tế, ngay cả cái nhà cô đến ở trọ chỉ sau ít tháng, họ đã coi cô như người trong gia đình. Cô vốn là người chịu khó, chăm chỉ, không chê việc lớn việc nhỏ, việc gì cũng làm; hưa làm tốt thì gắng làm cho tốt; làm được nửa chừng phải thôi việc vẫn vui vẻ tìm một việc khác. Nhưng cô không phải là mẫu người nông cạn, ít nghĩ. Cô chỉ cho rằng: Nếu cố gắng hết sức thì vẫn còn đấy cơ hội cho mình. Giữa một nơi xa lạ, cô luôn muốn "chạy đua với chính mình và sẽ thanh toán những mục tiêu phải đạt từng cái một”... Cái nghị lực ấy, tinh thần lạc quan ấy đã làm sáng bừng hơn 100 trang sách nhỏ bé...
“...Tôi cũng đã từng là dân quê. Cái quê tôi nó nghèo lắm... Buổi sáng, chúng tôi phải dậy sớm để giúp mẹ làm vườn. Sau chuồng heo, có một cái hố to, xây chìm xuống đất đựng nước thải, phân và nước rửa chuồng. Chúng tôi lấy đòn gánh, hai chị em hai đầu khiêng một cái thùng tôn đầy cái thứ nước tạp chất ấy ra cho mẹ tưới cây. Xong xuôi, chúng tôi tắm rửa, hấp cơm nguội lên ăn với nước mắm hoặc cá kho còn của tối hôm trước, sau đó hoặc học bài, hoặc đi học… Xong lớp 12, chị tôi vội vã lấy chồng, vội vã rời xa cái làng quê chẳng có gì hấp dẫn chị ấy. Năm năm sau, tôi thi vào Đại học và đậu. Lên Hà Nội học, mỗi tháng tôi về thăm mẹ một lần. Lần nào về trong giỏ xách của tôi cũng có một bao đầy nilong tôi đem về cho mẹ nút các chai nước mắm. Các bao này có từ những lần tôi mua bánh mì ăn, mua nước mía uống, mua các thứ lặt vặt khác ... người ta bỏ vào bao, và tôi giặt sạch, phơi khô, bỏ dồn lại...”
Chỉ với bảy chương sách ngắn, tập truyện Lối đi ngay dưới chân mình đã khắc họa thật sinh động cuộc sống của một người trẻ với bao nhiêu là phân vân, ngơ ngác, những cái buồn vô cớ, cả những hoài nghi về tương lai, về tình yêu, về tình bạn thuở mới bước vào đời. Bằng hồn văn tươi trẻ của mình, những trang sách dẫu ít ỏi của Nguyễn Lê My Hoàn vẫn khiến người đọc thêm yêu, thêm tin ở cuộc sống, thêm nghị lực để theo đuổi ước mơ và không ngừng bước về phía trước dù biết rằng còn lắm chông gai...
Thông tin tác giả:
Nhà văn, dịch giả Nguyễn Lê My Hoàn được biết đến sau thành công của tác phẩm Lối đi ngay dưới chân mình viết từ giữa những năm 90. Sau hơn 10 năm vắng bóng, gần đây, chị đã quay trở lại nhưng không chỉ với vai trò viết lách mà còn gắn liền với nhiều chương trình dành riêng cho trẻ em. Năm 2007, từ chương trình “Đổi chuông gió lấy một ngôi trường”, Nguyễn Lê My Hoàn đã kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ xây tặng học sinh vùng cao huyện Dak Krông, tỉnh Quảng Trị một ngôi trường. Năm 2008, cũng từ chương trình này, thêm một ngôi trường được xây mới tại huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên. Ở Fetival Huế 2008, qua chương trình “Nối những tấm lòng vì vạn trái tim”, nhà văn trẻ đã kêu gọi các nhà hảo tâm mua những bức tranh do trẻ em vẽ, dùng số tiền đó phẩu thuật cho những em bé mắc bệnh tim ở Huế, và TP Hồ Chí Minh. Cuối năm 2009, cùng với hội đồng đội tỉnh Bến Tre, chị lại thực hiện tiếp chương trình “Nối dài chuyện cổ tích - một triệu viên gạch vì các bạn nhỏ Cu Ba”. Chương trình đã xây dựng một trường học ở làng Bến Tre, quận Batou, Lahabana...
Lối đi ngay dưới chân mình là tác phẩm đã mang về cho Nguyễn Lê My Hoàn giải II tại cuộc thi Văn học Tuổi 20 lần I năm 1995.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Cũng đã có nhiều truyện mở đầu là thân gái dặm trường, kết thúc là một số phận không may mắn, bi thảm. Trong truyện này, một cô gái học phổ thông trường huyện, học đại học ở Hà Nội, ra trường vào thành phố Hồ Chí Minh tìm vận may, không có bà con họ hàng thân thích, không có tiền, cũng không có tài nghề gì đặc sắc thì cái gian nan là cầm chắc. Nhưng cô ta không sợ, không kêu than, tự mình ứng xử với những khó khăn cô gặp phải. Tất nhiên cô có một tấm lòng tốt nên gặp được bạn bè tốt, ngay cái nhà cô đến ở trọ chỉ sau ít tháng họ đã coi cô như người trong gia đình. Cô bé lại chịu khó, không chê việc nhỏ. Việc gì cũng làm. Chưa làm tốt thì gắng làm cho tốt. Làm được nửa chừng phải thôi việc vẫn vui vẻ tìm một việc khác. Mình còn trẻ mà, thiếu gì cơ hội. Nhưng không phải là người ít nghĩ đâu nhá. Nhưng nghĩ gì thì nghĩ cô vẫn muốn “chạy đua với chính mình và sẽ thanh toán những mục tiêu phải đạt từng cái một”. Tôi vốn thích được biết những phân vân, ngơ ngác, những cái buồn vô cớ, cả những hoài nghi về tương lai, về tình yêu, về tình bạn của một số bạn trẻ mới bước vào đời. Nhưng được đọc những trang viết về một cô gái có nghị lực, thích hành động, hành động để lựa chọn, hành động để tự khẳng định, hành động với những mục tiêu rõ ràng, thú thật tôi vẫn thích hơn. Vả lại viết cũng hay nữa, câu chữ rất tươi, rất trẻ. Và đoạn kết thật khoan khoái: “Có lẽ hai anh chàng này khi cắt móng tay xong không có cái kiểu nhặt móng lên, bỏ vào lòng bàn tay, ngồi ngắm nghía, khều qua khều lại như tôi. Họ không đến nỗi quan trọng hóa cái “tôi” của mình quá đáng như tôi...” Không thèm mặc cảm, nhập một cách thẳng thừng vào mọi vai để tìm ra một lối đi vốn đã ở ngay dưới chân mình.”
Nhà văn Nguyễn Khải