Đất đai tiên tổ ở đâu cũng là đất đai tiên tổ.
Đất đai tiên tổ ở đâu cũng giống nhau, cũng thấm máu mồ hôi và nước mắt của con cháu Việt, dù là hạt phù sa đỏ đồng bằng, bụi đất bạc màu trên núi cao hay bùn lầy sú vẹt ven biển và cát vàng ở đảo xa, ở đâu cũng linh thiêng, cũng mang đậm dấu chân, hồn vía của nhiều thế hệ Việt đã giữ gìn, đã bảo vệ, đã sống và chết truyền đời như thế.
Đất đai tiên tổ là quê hương bản quán, là nơi cha mẹ đào đất chôn nhau cắt rốn của con cái mình, là nơi để đào bới trồng cây lúa cây khoai, là hơi thở đẫm mồ hôi của ông cha, những giọt mồ hôi ướt đẫm trong nắng rát, trong mưa bão, trong đói khát, trong sự cần mẫn để gieo trồng và thu hái, để nuôi con nuôi cái, hà hơi tiếp sức cho nhiều thế hệ người Việt lớn lên, sinh tồn, bám trụ.
Đất đai tiên tổ làm chứng cho biết bao lớp lớp cháu con, lớn dậy và trưởng thành, quen hơi bén tiếng, yêu nhau, thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái, làm nhà làm cửa, sống trên đất, chết trong đất, niềm vui và nỗi buồn, tất cả đều không rời đất, không xa đất, tất cả quần tụ và quyến luyến với đất đai quê hương, làng xóm, cả nước mắt nụ cười, cả khao khát và chờ đợi, tất cả đều có đất làm chứng, có đất nâng đỡ, có đất dìu dắt, trong đất là xương cốt của tổ tiên, xương cốt người Việt làm ra đất đai tiên tổ người Việt.
Đất đai tiên tổ là nơi trời đã định, phận đã liệu, từ cương giới đất liền đến nơi biển cả, không xâm chiếm của ai, không giành giật của ai, một hạt bụi cũng là của người Việt, một cây cỏ cũng thuộc về người Việt, đời đời kiếp kiếp như thế, ai chiếm đoạt thì bị trừng phạt, ai phản bội thì phạm trọng tội, trong đất có hồn vía cha ông, có sức mạnh nước non, có lời thề truyền đời giữ đất của các bậc tiền bối, không ai được phép quay lưng trở mặt, lấy sức mà giữ gìn, lấy cả máu ra mà giữ gìn, không thể khác.
Đất đai tiên tổ là nơi chia sẻ, là nơi đón nhận, là nơi ủ ấm những thân xác con cái người Việt đã bỏ mạng vì các cuộc chiến giữ đất giữ nước, sống thì cùng đất làm nên hạt lúa củ khoai, cùng đất rảo bước trên những nẻo đường, cùng đất cười đùa khi hạnh phúc, vục mặt vào đất khi khổ đau, bấu vào đất khi chân yếu tay mềm, tựa vào đất khi trời không yên, biển không lặng, chúi mặt vào đất khi tủi thân, khi buồn bã và cô độc, nằm yên ả trong đất khi nhắm mắt xuôi tay. Sống thì bảo vệ đất đai, chết thì nằm trong đất đai, người Việt mãi là như thế, yêu đất đai và thề chết vì đất đai tiên tổ.
Cuộc chiến chắc chắn chưa dừng lại. Đảo xa, biển rộng, người ít giặc nhiều, rồi ai còn ai mất? Sống hay chết ở đây cũng chỉ để cho thiên hạ biết một điều, đảo này là của người Việt, cương giới này là của người Việt, còn một trăm người cũng đứng lên bảo vệ, còn mười người cũng đứng lên bảo vệ, còn một người cũng đứng lên bảo vệ, không còn ai thì thân xác chôn vùi dưới đảo cũng là nhân chứng, cũng là mốc giới, cũng vẹn nguyên một lời thề giữ đảo.
Nhưng tiếc. Đô tướng Lý Nhất nhìn từng gương mặt các chàng trai, gương mặt các cô gái trẻ đang ngời ngời lên trong nắng, sung sức, ánh mắt long lanh, đẹp quá, những gương mặt người Việt đẹp như thiên thần. Vì sao họ không được yên ổn để sống, để yêu nhau, để sinh con đẻ cái, để làm chồng làm vợ? Vì sao họ lại phải chết trẻ, chết trinh nguyên trong trắng vào cái tuổi như quả trên cây mới chín. Biết là họ chết vì bảo vệ đất đai tiên tổ, nhưng tiếc, quặn lòng vì đau đớn, sôi ruột vì căm thù giặc giã, bàn tay Lý Nhất nắm lấy thanh kiếm mà ước chi có thêm ngàn sức mạnh để có thể quét sạch giặc giã, dồn đuổi chúng tới chân trời, cho cương giới mãi trường tồn yên ổn, không còn thấy cảnh chém giết man rợ, để các trai tráng và thiếu nữ chỉ biết chăm chỉ làm ăn, lo toan cuộc sống, biến đảo thành ấp thành làng, ấm êm hạnh phúc.
(trích đoạn)