Ngày đó... giá như gã Thuyết khùng không được cô ấy nói yêu có lẽ đời gã đã chuyển sang hướng khác, có lẽ gã không bị khùng. Cô ấy làm nhân viên hợp đồng (còn lâu mới có biên chế nhé) ở một câu lạc bộ phụ nữ, đẹp lồ lộ và mạnh mẽ. Họ gặp nhau trong lần gã đến câu lạc bộ tìm hiểu thực tế để viết tiểu luận tốt nghiệp về lịch sử phong trào phụ nữ... Gã còn đọc cả thơ tự sáng tác về vẻ đẹp mộng mơ của chiếc áo dài. Thế là cô ấy mơ về gã, về một nhà nghiên cứu có tài, lại có quá khứ bộ đội, tương lai rộng mở, hẳn sẽ là chỗ nương nhờ. Cô ấy chủ động làm quen với gã. Nhưng khi cô ấy nói em thích anh, thì gã sợ. Cha cô ấy trước giải phóng là chủ vựa ve chai. Sau giải phóng vẫn làm nghề ve chai nhưng phải hợp tác với các vựa ve chai khác thành lập hợp tác xã thu mua phế liệu. Ông được bầu làm chủ nhiệm cái hợp tác xã thu mua phế liệu ấy. Thời đó làm chủ nhiệm hợp tác xã, kiểu gì cũng được xã hội coi là cán bộ. Ông cũng thích như thế. Chính quyền cấp phường vẫn gọi ông như thế để dễ bảo, dễ quản lý và dễ thu phí hơn. Chỉ khi động đến cửa công, động đến chế độ giấy phép, chế độ ưu tiên người ta mới chẳng coi ông ra gì. Nếu muốn được việc ông phải chi thêm tiền. Nhưng nhiều khi mua bằng tiền cũng không được! Nếu trong nhà có người làm cán bộ nhà nước thật, là đảng viên càng tốt, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều. Vì thế khi biết con gái để ý đến một tay bộ đội “Bắc kỳ" xuất ngũ, đảng viên hẳn hoi, lại sắp tốt nghiệp đại học, ông ưng ý liền. Bữa gã theo cô ấy về, dù trong đầu chưa có ý định gì nhưng gã không cưỡng lại được lời mời của cô gái đẹp.
(trích đoạn)