Ngôi Sao Cô Đơn là trường hợp hiếm hoi khi cuốn sách và bộ phim được ra mắt công chúng gần như cùng lúc (1992). Phim do đạo diễn Trần Cảnh Đôn dàn dựng theo kịch bản của Nguyễn Đông Thức, do Hãng phim Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ phối hợp sản xuất. Diễn viên gồm có ca sĩ Phương Thảo, Thanh Hoa, cùng các tên tuổi Lê Tuấn Anh, Đơn Dương, Khánh Hoàng, Kim Xuân, Quang Đại, Việt Anh, Lê Bình, Hoàng Phúc...
Trích đoạn:
Nhìn từ cửa phòng, Mỹ Nhung có vẻ như đang ngủ chứ không phải đã chết. Cô nằm sấp trên giường, có một chiếc khăn lớn đắp ngang qua người. Căn cứ vào những phần tay chân và lưng lộ ra, tôi đoán khi chết cô hoàn toàn khỏa thân, và ai đó đã lấy khăn che lại sau khi phát hiện. Trái ngược với dáng nằm bình yên của Mỹ Nhung, khung cảnh trong phòng lại hỗn độn khủng khiếp tới mức không thể tưởng tượng được. Tất cả mền gối đều nằm trên sàn nhà, xen lẫn giữa những bộ quần áo thời trang và đồ lót, những điếu thuốc lá bị bóp nát, những cây son, hộp phấn, gương lược, giày dép, chai rượu và lon bia... Mặt bàn trang điểm, bàn ngủ... trống trơn, chứng tỏ tất cả vật dụng trên ấy đều bị gạt tung xuống đất. Tủ quần áo thì mở toang cửa, bên trong hầu hết quần áo bị giật đổ đống xuống đáy. Cửa chiếc tủ lạnh loại 120 lít gần giường cũng vậy, cho thấy mọi thứ bên trong đều nháo nhào, và hơi lạnh từ đó cứ lặng lẽ tỏa ra. Điều làm tôi muốn dội ngược ra khỏi cửa chính là mùi vị trong căn phòng tắt máy lạnh đóng kín cửa này: nó ngợp ngụa một thứ mùi tổng hợp giữa nước hoa, khói thuốc, rượu cồn... đã bị hệ thống máy lạnh nén chặt lại, xen lẫn trong đó là một thứ mùi đã quá quen thuộc với khứu giác của bọn tôi mà người ngoài ngành không dễ gì nhận ra: mùi xác chết...
...Tôi định thần lại và bắt đầu quan sát thật kỹ tấm thân bất động trước mắt. Không hề có một dấu vết khác lạ nào. Một vết bầm cũng không. Sau khi gọi Ân vào để hắn chụp một lọat ảnh xác chết từ đủ góc cạnh quy định, tôi đeo găng tay vào và bắt đầu kiểm tra, xem xét kỹ ở vùng thái dương, sau tai, gáy và hậu môn người chết. Tất cả đều bình thường. Thật nhẹ nhàng, tôi tháo chiếc khăn bịt mắt bỏ vào túi nylon, đưa cho Hùng, rồi lật ngửa Mỹ Nhung lên. Không hề có một vết thương nào trên phần trước tuyệt mỹ của cô. Trán, mắt, nhân trung, miệng, cổ, tai, ngực, nách, bụng... tất cả đều bình thường. Đôi mắt cô mở he hé, tròng đen ánh lên màu nâu biếc dưới ánh sáng chiếc đèn pin của tôi. Những người phụ nữ mắt nâu đều rất đa tình? Nhất là khi lại là một ca sĩ. Tôi lắc nhẹ đầu để xua đi những ý nghĩ lộn xộn. Theo những hiểu biết ít ỏi của tôi thì Mỹ Nhung không phải là một nhân vật có nhiều tai tiếng. Thậm chí đã có lần tôi đọc ở đâu đó một bài báo viết về cô, với cái ý chính mà tôi nhớ mãi, rằng cô là một con người bí ẩn, ít nói, khó tiếp xúc, không rõ vì rụt rè hay kiêu ngạo. Tôi nhớ mình đã phì cười khi đọc đến đọan ấy. Những ông nhà báo đúng là chúa tò mò và hay bịa chuyện, thêm thắt, bình luận vung vít. Khó mà ăn ở cho vừa lòng được các ông ấy. Đó cũng là một chứng bệnh nghề nghiệp, không trách được. Bởi phải như thế thì người ta mới có đủ chữ để in trên báo chứ.
*****
Với cách viết ba tuyến xen kẽ (Suy nghĩ của đại úy công an điều tra cái chết - Thẩm vấn những nhân chứng - Hồi ức của người đã chết), nên cuốn tiểu thuyết đọc rất hấp dẫn. Sẽ có người nhận xét đây là một tiểu thuyết hình sự nhưng đúng ra là một tiểu thuyết tâm lý hình sự, bởi nó muốn nói lên nguyên nhân của sự cô đơn chứ không phải nói lên nguyên nhân của một cái chết...
Đoàn Thạch Biền