Đất nước ta đã trải qua một thời tạm chia cắt làm hai miền. Khi đó có khoản 14 vạn người kháng chiến phía Nam vĩ tuyến 17 rời vị trí chiến đấu, xa quê hương xóm làng tập kết ra Bắc. Nhưng còn một số người ở lại vì nhiều lý do khác nhau, họ phải thu mình để sống vã đối phương trong điều kiện mới. Không ai thấu hiểu hết được những nỗi thống khổ trăm bề trong cảnh họ bị phân biệt đối xử giam hãm đọa đày...
Quy luật tất yếu có áp bức thì có đấu tranh và khi con đường tự cứu mình đã mở, những người ở lại không quản nguy hiểm hy sinh, cương quyết dấn thân.
Đó là bối cảnh của tiểu thuyết Người Ở Lại nói về những con người được lịch sử trao gởi sứ mệnh vẻ vang “đi trước về sau”. Những con người ấy phần lớn sống với ruộng đồng nông thôn vốn êm đềm tĩnh lặng.
Nhưng họ đã từng vùng lên như triều dâng thác cuốn trong cách mạng tháng Tám và nỗ lực phi thường cùng toàn dân đưa cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược đến ngày thắng lợi.
Giờ đây trong bước ngoặc lịch sử, họ không thể thoái thác, sẵn sàng chịu đựng chấp nhận thử thách hy sinh.
Những "người ở lại" trong tiểu thuyết nói về một miền quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống cách mạng, một trong hàng vạn làng quê miền Nam nước ta. Người ở lại luôn luôn hướng về người đi, sớm chắp nối và nhen nhóm, tiếp nhận để rồi đương đầu khó khăn nguy hiểm. Bằng những tấm lòng kiên trung bất khuất, họ tự nguyện làm bất cứ công việc gì, bất cứ ở đâu dù nhỏ nhặt nhất, đơn giản nhất... để chung sức chung lòng cùng sự nghiệp chung của dân tộc. Không gì ngăn cản được: đau thương thảm khốc, sớm nắng chiều mưa, cay đắng bẽ bàng. Khi lòng đã quyết, đã tin thì họ âm thầm bền bỉ, hết lớp này đến lớp khác tiếp tục con đường đi cho đến ngày thắng lợi hoàn loàn.
Tiểu thuyết Người Ở Lại cho thấy những cảnh đời nông dân nơi thôn quê bình dị với ruộng đồng là cuộc sống, đã là lực lượng chủ yếu trong cách mạng và trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Ngày nay trong hòa bình, xây dựng nông nghiệp nông thôn và nông dân là nhiệm vụ cơ bản, là sự đền ơn đáp nghĩa của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.