"Sài Còn hợp với tất cả mọi người, mà thật ra lại chẳng hợp với bất cứ ai"
Có lẽ từ đây, câu chuyện tình ở Sài Gòn bắt đầu.
Bắt đầu từ một cô gái trẻ làm một nghề rất lạ, đó là nghề nói chuyện (hay trò chuyện) trực tiếp với bất kỳ khách hàng nào theo yêu cầu. Một cô gái có cá tính mạnh mẽ, khao khát tự do, nhưng cũng rất say tình. Tuy nhiên, dường như tất cả đàn ông đều không thể lấp đầy cô, hay cảm giác sa mạc ngự trị trong cô lớn đến mức luôn cháy khát. Một cô gái có mối tình đầu rất lạ lùng. Người đàn ông của cô luôn thấy cô... ngoại tình trong mơ, luôn thấy cô ái ân lần lượt với từng người đàn ông khác. Cuối cùng, không chịu đựng được, anh ta đã tự kết liễu đời mình. Cô gái từ đó sống với những cảm trạng không mấy dễ chịu. Cô dễ dàng bị bóc trần, nhưng cũng điêu luyện khi muốn xóa dấu vết. Cô là một người tình Sài Gòn. Và những người đàn ông quanh cô là những người tình Sài Gòn khác.
Một câu chuyện tình thuần túy. Có lẽ là vậy. Nhưng điều mà tôi thích ở Linh Lê là ở cái cách cô xử lý chuyện tình mà không hề sến. Cách kể chuyện tưởng chừng nhẹ nhàng, mà gây ám ảnh hay cắt cứa. Và, cách Linh Lê viết về sex đạt tới một mức tự nhiên rất đáng yêu. Đọc thấy yêu, và đọc để yêu. Đọc để thấy mình cũng là một người tình Sài Gòn. Và mình cũng đang đi tìm những người tình Sài Gòn khác.
Nếu cho rằng đây là một cuốn tiểu thuyết viết về sex thì cũng có thể đúng. Nhưng có lẽ đúng hơn, đây là cuốn tiểu thuyết viết về nỗi cô đơn của con người, trong đó có những người tuổi trẻ. Một phong vị Murakami như đâu đó phảng phất, khi Linh Lê trích dẫn ở trang 271, "Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời", Murakami viết: "Có nhiều cách sống, và nhiều cách chết. Nhưng có quan trọng gì đâu. Điều duy nhất còn lại là sa mạc." Còn lại là sa mạc. Là cát bụi. Là hoang vu. Là những gì không thể tưới tắm hay lấp đầy? Để trả lời được những câu hỏi này, có lẽ không gì hay hơn là cầm Người tình Sài Còn trên tay và say sưa với nó.
- Trần Nhã Thụy