“Chần chừ mãi rồi anh cũng nhận lời lên thăm Nguyệt. Không phải vì giữ ý tránh cho nàng những phút giây khó xử bên người chồng mới. Cũng chẳng sợ. Người như anh giờ này có thể gọi là hết sợ rồi. Không còn dính líu bất cứ việc gì với ai. Lại cũng không phải nhờ vả bon chen tất bật như mọi người đô thị. Chỉ là vì cái tổ ấm của nàng luôn làm anh bị ức chế mỗi khi đến đấy. Nó không gây ức chế về diện tích khuôn viên. Hơn hai hecta. Đối với dân phố luôn tính chuyện nơi ăn chốn ở bằng mét vuông thì thoạt nghe nàng giới thiệu trang trại của mình rộng hơn hai hecta anh đã phải lẩm nhẩm trong đầu khá lâu về sự rộng dài của nó…” (Trích)
Rừng người của nhà văn, nhà báo Đỗ Phấn là tác phẩm tái hiện đời sống đô thị Việt Nam đương đại qua lăng kính của người trí thức thị dân. Đi vào mạch chính của câu chuyện, người đọc như bị ngợp trong một không gian ngột ngạt và chật chội chứa đựng đầy rẫy những sự tranh chấp, bon chen của đô thị - nơi bao bọc đủ mọi kiểu người với đủ những thủ đoạn, mánh khoé để có thể mưu sinh, tồn tại. Trong tiểu thuyết, nổi bật nhất phải kể đến là những gương mặt đàn bà. Họ đẹp, mạnh mẽ, chủ động và cuồng nhiệt trong tình yêu nhưng cũng sẵn sàng vứt bỏ nó một cách lạnh lùng, không thương tiếc khi muốn tiến xa hơn trên con đường danh lợi. Để rồi, sau đó, có khi chính những người đàn bà ấy lại rơi vào bi kịch của sự trả giá, sa ngã, bế tắc và tuyệt vọng... Lúc ấy họ chợt bừng tỉnh giấc, nhận ra đâu mới là giá trị đích thực của cuộc sống và lại nuôi khát vọng tìm về…