Hắn thấy trong người gây gây sốt, toàn thân như có dòng điện chạy qua. Thân xác hắn cứ bung biêng giữa không gian trong trạng thái không trọng lượng. Chợt một tia chớp màu xanh lóe sáng ở nơi vầng trán có huyệt Thiên Mục. Kế sau đó là ba tiếng sét nổ đanh, vang vọng trên đỉnh đầu, chỗ huyệt Bách Hội. Hắn lại trở về trạng thái có trọng lượng, rơi bịch xuống mặt đất và bừng tỉnh, nhận ra mình đang ngồi tọa thiền giữa Đại Hùng Bửu Điện của Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Ai đưa hắn đến chốn này?... Vì sao hắn lại biết tọa thiền?... Trưa hôm trước hắn còn ngồi uống rượu trong lễ mừng thọ của Trần Long ở bến Kim Xuyên, cách nơi này gần ba mươi cây số đường núi?... Long là thằng bạn thân đang học khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì đi bộ đội năm 1979, bị thương cụt mất một chân năm 1984 ở trận Lão Sơn, trên đất Hà Giang. Quê nó ở xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, nhưng lên xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang lập nghiệp đã mấy chục năm. Hắn hỏi: “Sao mày đang làm việc ở Viện Sử dưới Hà Nội lại điên khùng mò mẫm lên tận đây làm ăn?” Nó tỉnh bơ đáp: “Thời buổi này làm thằng trí thức nghèo thì nhục chứ sướng gì. Tổ tiên tao là cụ Trần Doãn Hữu, con trai cả của Đức ông Trần Nguyên Hãn đã từng lên bến Kim Xuyên lập nghiệp, giữa chừng gặp đại nạn. Cha chết ôm hận giữa dòng Lô, còn mẹ đưa cụ tổ trốn tránh ở rừng Thần bên kia sông, sau mới về lại Sơn Đông lập nên nhánh họ Trần truyền đến đời tao. Nay tao thử lên đây, đánh đu với số phận thêm lần nữa, thế thôi!” Trời - Phật thương nó nửa đời khốn khó, đầy mình thương tật. Sông Lô ban cho nó bãi cát vàng mênh mông hàng chục triệu mét khối. Long lập dự án vay tiền ngân hàng đầu tư thiết bị, thuê người múc cát vào xà lan chở về xuôi thu bộn tiền, trở thành đại gia nổi tiếng khắp vùng. Có tiền, nó đầu tư thêm bốn chiếc phà ở bến Kim Xuyên, thu cước phí qua phà của khách và các xe chở mía cho nhà máy đường, mỗi ngày hàng trăm triệu. Năm nay Long 49 tuổi, tính cả tuổi mụ là 50 tròn, còn lâu mới đến tuổi nhập thọ. Nó bảo, thủy tổ Trần Nguyên Hãn cũng chết tức tưởi, oan khuất giữa dòng Lô đúng vào tuổi ấy nên từ bao đời nay, đàn ông trong họ tộc đều làm lễ mừng thọ sớm trước 10 năm, cúng tế Đức ông Nguyên Hãn để Ngài phù hộ cho qua cái hạn “49 chưa qua 53 đã tới”, trường thọ mà hưởng lộc… Hôm ấy uống rượu mừng thọ xong, Long dẫn hắn lên mỏm núi nhô ra lòng sông ở bến Kim Xuyên ngắm nhìn hoàng hôn đỏ như màu huyết hắt xuống lòng sông, giữa đôi bờ bát ngát một màu xanh thơ mộng, huyền ảo. Trong ánh hoàng hôn bảng lảng sương khói, hắn nhìn thấy thấp thoáng bóng hình một ông lão mặc đồ cổ trang, vóc người vạm vỡ, gương mặt quắc thước, bộ râu dài phất phơ trước ngực. Đứng bên cạnh ông là người thiếu phụ trẻ đẹp đang mang bầu, sắp đến ngày lâm bồn. Cả hai bóng hình khi mờ khi tỏ, lúc chập chờn ở xa tận cuối chân trời, lúc lại xuất hiện rất gần, bồng bềnh trên sóng nước dòng Lô. Hắn cảm thấy tức ngực, hoa mắt, váng đầu khiến Long hoảng hốt dẫn bạn về nhà, gọi người cạo gió. Hắn uống hết bát nước gừng, lên giường nằm và thiếp đi. Nửa đêm hắn nghe có tiếng người gọi thầm bên tai liền vùng dậy và một bàn tay vô hình dẫn dắt hắn đi, đi miết. Từ bến Kim Xuyên, hắn như người mộng du lần theo đường cái quan ra thị trấn Sơn Nam, ven quốc lộ 2C rồi tắt ngang qua những con đường làng của xã Ninh Giang, tới ngã ba Đạo Trù thì hắn ngơ ngác không biết đi về đâu: một lối dẫn về trại giam của tỉnh Vĩnh Phúc; một lối qua cầu Chang bắc qua sông Phó Đáy, đi về phía trụ sở Huyện ủy huyện Lập Thạch; một lối ngược dốc núi Tam Đảo, đi về Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Đêm chìm vào sâu. Không gian bốn bề tĩnh mịch. Sương rơi mỗi lúc một dày thêm. Hắn đang hoang mang, bối rối chợt nghe trong tâm thức văng vẳng tiếng người: “Hãy theo ta lên núi, còn chần chừ gì nữa!” Bóng ông lão có bộ râu đẹp và người thiếu phụ trẻ mang bầu lúc chiều lại lờ mờ xuất hiện, đi trước dẫn đường. Bàn chân hắn bước đi cứ nhẹ tênh, lướt nhanh trên ngọn cỏ ven đường. Đến cổng Tam Quan bằng đá của Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, hai bóng người kia biến mất, Thiền sư trụ trì mở cửa bước ra, nhìn hắn mỉm cười trìu mến, nói: “Nhà chùa đợi thí chủ lâu rồi…” Trong bóng đêm, đôi mắt của Thiền sư rực sáng, có sức thôi miên mãnh liệt, dẫn dụ hắn bước vào khuôn viên của chùa, đi thăm hết lượt qua Lầu Chuông, Lầu Trống, Đại Hùng Bửu Điện, Nhà Tổ, Nội Viện, Tăng Đường, Trai Đường… Vừa đi, hắn vừa nghe Thiền sư giảng giải rằng, nơi đây vốn là nền cũ của chùa Thiên Ân năm xưa do Thiền sư Cúc Khê tạo dựng, đã bị giặc Minh tàn phá. Đức ông Nguyên Hãn từng là học trò của thầy Cúc Khê từ năm 10 tuổi, đến năm 30 tuổi mới được thầy cho xuống núi nhập thế giúp đời. Nhà chùa nhận được tín hiệu từ trong cõi giới vô hình chờ đón thí chủ đêm nay đến đây tĩnh tâm tọa thiền để khai mở luân xa, lãng du vào miền quá vãng của lịch sử, gặp gỡ nhân chứng trong vụ án oan trên sông Lô 600 năm về trước. Thiền là giải pháp hữu hiệu mang đến cho hành giả một sức mạnh nội tâm hay nội lực. Thí chủ học phép tọa thiền là để an định cái tâm cho mình sau những tháng ngày vật lộn giữa cuộc mưu sinh, đầy rẫy sự bất an, vọng động. Khi tâm an định thì trí tuệ sáng suốt, đó là quy luật tất yếu trong mối tương quan giữa tâm và trí. Chư vị sư tổ nhờ thiền mà tâm an định sâu, chứng ngộ đạo quả, có trí tuệ siêu việt, thấy được chân lý của vạn hữu. Trong con người ta ai cũng có 7 luân xa ở tại những huyệt đạo có vị trí khác nhau cần được khai mở, nhưng quan trọng nhất là luân xa số 6 còn gọi là Thiên Mục, nằm ở giữa trán và luân xa số 7 tại huyệt Bách Hội ở đỉnh đầu. Mở được hai luân xa này thì các luân xa còn lại không khó nữa. Lẽ ra học thiền phải rất công phu luyện tập trong nhiều năm, nhưng nếu cơ duyên nhà Phật cho thí chủ nương tựa vào Hồng ân tam bảo mà mở được luân xa trong đêm nay thì linh hồn sẽ có thể vượt qua biên giới của không gian, thời gian, may ra gặp được các nhân chứng lịch sử làm sáng tỏ nỗi oan của Đức ông Nguyên Hãn cũng nên. Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni Phật! Nam mô Quán thế âm Bồ Tát!... Hắn ngoan ngoãn chắp tay trước ngực, nối gót Thiền sư bước vào Đại Hùng Bửu Điện, thắp nhang lễ Phật. Sau đó, theo lời chỉ dẫn của Thiền sư, hắn ngồi xuống sàn trong tư thế kiết già, khép hờ đôi mắt, luyện cho đường vận khí chạy đều trong mối tương quan giữa mạch Nhâm và mạch Đốc, điều tiết sao cho các đường kinh âm - dương kết hợp, nương tựa và chuyển hóa đều đặn qua nhau… Cảnh vật xung quanh thanh tịnh đến lạ lùng, chỉ nghe tiếng suối Tây Thiên róc rách, tiếng thông reo, gió thổi, ru hắn vào miền cực lạc, tâm hồn siêu thoát, ngộ ra cái lẽ vô thường của tạo hóa và cõi nhân sinh, rũ bỏ mọi ưu tư, phiền muộn. Hồi lâu, một tia chớp màu xanh lóe sáng ở nơi vầng trán có huyệt Thiên Mục. Kế sau đó là ba tiếng sét nổ đanh, vang vọng trên đỉnh đầu, chỗ huyệt Bách Hội. Một sức mạnh kỳ bí nâng bổng hắn lên cao, bay vút vào không gian giữa các vì sao trong dải ngân hà, nhập vào thế giới của các linh hồn đi mây về gió. Ở thế giới ấy, hắn chỉ cần nghĩ trong đầu một cái tên nào đó trong sách sử thời Lê sơ là lập tức linh hồn xuất hiện, kể vanh vách những mảng hồi ức, chẳng hề giấu giếm mọi âm mưu, tội lỗi đã từng xẩy ra trong quãng đời trần tục của mình…
Bạn đọc thân mến! Hắn chính là tác giả cuốn Sóng Hận Sông Lô mà các bạn đang cầm trên tay. Nó là truyện mà lại không phải truyện, chỉ là những ghi chép từng mảng suy nghĩ, độc thoại, hồi ức đan xen vào trong lời kể của nhân vật, được tác giả khâu nối lại để các bạn phần nào mường tượng ra sự thật lịch sử thời Lê sơ quanh số phận và cái chết oan ức, tức tưởi của Trần Nguyên Hãn trên sông Lô, giữa vòng xoáy tranh đoạt quyền lực muôn thủa ở cõi người. Và vì thế, hắn gọi những điều mình viết ra là “ký vãng lịch sử” mà sau buổi tọa thiền, gặp lại nhân chứng trong cõi giới vô hình, hắn về nhà đóng cửa phòng văn, miệt mài ghi chép lại. Nhân vật của hắn – những linh hồn trong quá vãng nhớ và nghĩ nhiều, nói ít. Cuốn sách nhiều sự, ít chuyện. Hắn cậy nhờ và vô cùng biết ơn bạn đọc mỗi người một vẻ, tiếp tục suy ngẫm và tưởng tượng thêm cái phần chuyện mà hắn bất tài, lười nhác đang còn bỏ dở…