Nam Cao bước vào thơ văn từ rất sớm. Những sáng tác thời kỳ đầu còn chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn tiểu tư sản. Một số truyện ngắn có ý nghĩa phê phán xã hội, nhưng chưa thật sâu sắc. Sự nghiệp văn học của Nam Cao thật sự bắt đầu khi Chí Phèo ra đời (1941), với truyện ngắn này, Nam Cao đã từ bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của thơ văn lãng mạn.
Truyện dài Sống mòn (1944) là sự tổng hợp sáng tạo về đề tài tiểu tư sản của Nam Cao xoáy sâu vào bi kịch chết mòn về tinh thần của con người trong cái xã hội đầy bất công phi lý, đồng thời cũng đã phê phán khá trung thực sâu sắc tâm lý và lối sống mòn tiểu tư sản.
Trong tác phẩm của Nam Cao, ông thường hay triết lý, thích khái quát, nhưng không khô khan, triết luận mà như mở ra những chân trời thơ bát ngát. Ở nam Cao có hiện tượng đề tài hẹp mà chủ đề lớn. Nghệ thuật viết truyện của Nam Cao có những độc đáo đặc sắc mà lại đa dạng. Tác phẩm của ông vừa chân thực vừa mang triết lý sâu sắc. Ngòi bút của Nam Cao vừa sắc lạnh, vừa gân guốc lại gần gũi với khẩu ngữ quần chúng, giản dị mà đậm đà, sống động.
...Trên những bãi sông kia, trong những làng mạc, những khóm xanh xanh kia, có biết bao nhiêu người sống như y, nhưng không bao giờ dám cưỡng lại đời mình. Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu rồi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám rứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những gì chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi....