Cũng như mọi lần, Nguyễn Minh đi qua vườn Bách-Thảo để về Trại Hàng Hoa. Nhưng chiều hôm nay tuy vẫn phong cảnh ấy mà Minh ngắm thấy xanh tốt, rực rỡ bội phần. Hoa Xoan-Tây chàng trông thấy đỏ thắm hơn; hoa Hoàng-Lan chàng ngửi thấy thơm ngát hơn; những hoa Sen trắng, hồng nhấp nhô trên mặt nước, chàng tưởng tượng ra trăm nghìn nụ cười hàm tiếu thiên-nhiên.
Là vì lòng chàng phấn khởi sung sướng, chứa chan hy-vọng. Kỳ thi thử trong lớp để chọn học trò đi dự thi bằng Thành-Chung, kết quả các bài của chàng được mười phần mỹ mãn: chàng chiếm hạng đầu trong các anh em bạn học.
Chỉ còn hai tháng nữa Minh sẽ tốt nghiệp ở trường sư-phạm, sẽ được bổ nhiệm giáo học để có thể kiếm cơm nuôi thân và nuôi vợ. Cái đời lam lũ khó nhọc của vợ mỗi lúc nghĩ đến Minh lại lấy làm áy náy và xấu hổ. Không phải chàng cho rằng cái nghề bán hoa của vợ là hèn hạ vì nghề ấy vẫn là nghề của ông bà, cha mẹ chàng khi xưa. Nhưng chính vì nhờ vào công việc của một người đàn bà mới có thể có tiền ăn học, chàng lấy đó làm một sự kiện đáng thẹn thùng, đáng bị khinh bỉ. Vì thế ngày thi sắp tới đã đưa lại cho chàng những hy-vọng trong trẻo về một tương-lai tốt đẹp.
Mắt Minh bỗng vơ vẩn để tới mấy con khỉ nhốt trong chuồng. Tuy ngày nào cũng bốn buổi chàng được trông thấy những trò đùa nhảy nhót của bầy thú nhanh nhẹn ấy, song đi chơi lang thang một mình, tư tưởng cũng lang thang không chú ý hẳn đến một sự việc gì. Chàng ngẫu nhiên đứng lại tựa lan can, tò mò nhìn.
Bên cạnh chàng, một thằng bé vào khoảng 10 tuổi dắt một con bé chừng 7 tuổi cũng đứng xem. Thỉnh thoảng nó lại lấy tay vẫy mấy con khỉ con, vừa cười vừa gọi: ‘bú dù, bú dù’ như để những con vật làm trò cho em nó xem. Cái cảnh tượng tầm thường ấy Minh cho là rất cảm động, vì nó mhắc tâm trí Minh ôn lại thời kỳ thơ ấu của chàng.
Mười năm về trước, khi chàng còn là một thằng bé chín, mười tuổi thì chiều nào chàng cũng tung tăng chạy nghịch với bầy bạn nhỏ ở khắp các nơi trong vườn. Trong bọn ấy, bạn thân nhất của Minh là một đứa con gái sáu, bảy tuổi tên là Liên, con một người láng giềng cùng theo nghề trồng và bán hoa như hầu hết các người trong làng Hữu-Tiệp mà tục gọi là Trại Hàng Hoa...