Đã từ lâu, tôi luôn tin rằng: hạt dẻ Trùng Khánh là một trong những di sản lớn nhất của những người Tày Trùng Khánh. Cây dẻ lớn lên, ra hoa, đậu quả và đi qua mưa nắng, bão gió và trở thành một công dân kỳ vĩ của người Tày Trùng Khánh. Nó không phải là một cái cây nữa. Nó là một di sản tinh thần. Và nếu người Tày Trùng Khánh đánh mất cây dẻ là họ có thể mất hết.
A sáng là đứa con của người Tày Trùng Khánh và anh thấu hiểu điều đó. Giống con đường của cô gái trong cuốn sách, anh đã rời làng Pác Thay, Trùng Khánh và mang theo thân xác vùi vào đời sống đô thị náo loạn như bao kẻ khác bởi số phận. Nhưng lá bùa có thể cứu tâm hồn cô gái kia, cứu tâm hồn A sáng hay cứu tâm hồn của bất cứ người Tày Trùng Khánh nào đó thoát khỏi cái lưỡi dục vọng của đời sống đô thị là chính cái hạt dẻ.
A sáng đã viết tiểu thuyết này theo cách kể chuyện của những người làng Pác Thay, Trùng Khánh mà anh đã được nghe từ nhỏ: giản dị, chân thực và xúc động đến đau đớn. A sáng chọn cái hạt dẻ để làm biểu tượng văn hóa người Tày Trùng Khánh. Hành trình của cái hạt dẻ chính là hành trình của cuộc đời cô gái. Hành trình của một nền văn hóa, của một cộng đồng nhỏ hay lớn cũng vậy. Nó luôn luôn phải đương đầu với những thách thức đến tàn bạo và nguy hiểm từ một đời sống phi nhân tính, phi văn hóa để tồn tại và tỏa sáng.
Xin trân trọng giới thiệu!