Câu chuyện xoay quanh quá trình trưởng thành của một nhóm bạn sống trong một thị trấn nhỏ. Tác phẩm pha chất hài hước mỉa mai, lạnh lùng nhưng cũng buồn tha thiết. Nỗi nhớ về một người bạn lầm lạc bỏ trốn khỏi thị trấn, và những mất mát mâu thuẫn gay gắt của những người ở lại. Thị trấn trong tim họ vừa pha cảm giác chán chường chối bỏ vừa là nỗi yêu thương nhớ nhung.
Trích đoạn
Mày vẫn còn nhớ Bí thư chứ?
Cái tay nam sinh ấy, hơn mình một tuổi, Bí thư đoàn trường, đẹp trai, học giỏi, thanh lịch, cán bộ Đoàn xuất sắc năng nổ. Tao hơi ngạc nhiên khi Trầm cũng nói là y bị gay – đó là loại tin đồn thất thiệt mà ai cũng nghe thấy nhưng cũng biết là tào lao – như tin đồn anh trai y là côn đồ nhiễm HIV đã ngủm củ tỏi, hay cái cầu Bà Đẻ có tên thế vì có một bà ôm con nhảy sông tự tử gần đó, hoặc tin đồn gia đình Trầm đã đốt nhà kho hợp tác mành trúc vậy. Dẫu sao thì, cũng khó mà quên được loại người ấy đúng không?
Cha nó là bí thư huyện ủy – mà tao nghe đã lên tỉnh lâu rồi. Nếu trên đời có thứ gọi là gene làm Bí thư, thì y mang gene trội, trội lắm không biết chừng. Gỉa như trường trung học của tụi mình hồi ấy quyết định mở một lớp đặc biệt bao gồm tất cả Bí thư của các lớp, thì cuối cùng tao tin chắc y cũng sẽ thành Bí thư của cái lớp đặc biệt ấy.
Hồi chúng mình còn giả bộ siêu nhân đi phá làng phá xóm, tụi mình gọi y là Hoàng tử ác ma ở cung điện Ác ma mỗi lần lẻn vào vườn nhà cha nó – ông bí thư – hái trộm ổi. Mỗi lần Bí thư ngồi đọc sách ở ban công, y thấy tụi mình, nhưng chỉ mỉm cười mà không nói gì. Lúc mày chĩa tay lên mặt nó mà bảo, hoàng tử ác ma hãy coi chừng, nó mới thản nhiên quay đầu vào nhà trong gọi: Ông Tư ơi, có mấy đứa bứt trộm trái cây nè.
Ông Tư giữ vườn nhà Bí thư, hình như là cựu chiến binh, tật một chân nhưng chạy rất nhanh, đầu trọc rất dữ. Rượt tụi mình chạy hộc hơi. Năm ngoái ông ấy bị ung thư dạ dày nằm viện ít lâu rồi chết. Tao có lên thắp nhang. Thắp cho mày và Bác học nữa.
*****
Ngày tụi mình vào lớp 6, y đại diện toàn thể học sinh lên đọc bài diễn văn khai mạc trong khi toàn thể học sinh chúng mình ngồi chồm hỗm dưới nắng gay gắt. Khi y mới bắt đầu kính thưa quý vị đại biểu, kính thưa quý thầy cô, kính thưa các bậc phụ huynh và toàn thể các bạn học sinh thân mến, Bác học nghiêng đầu nói vào tai tao: Tao ghét thằng cha này.
Đến bốn năm sau, khi y đọc diễn văn chào mừng học trò lớp mười nhập trường cấp ba, Bác học vẫn thì thầm vào tai tao: Tao ghét thằng cha này.
Mày chỉ ghen tị thôi. Tao bảo Bác học. Nó cự lại. Thằng đó có gì hơn tao?
“Phải, nó chỉ đẹp trai hơn mày, tài giỏi hơn mày, nhà giàu hơn mày, nhiều gái theo hơn mày.” Bác học im lặng. Rồi tiếp tục càu nhàu. Ờ đấy. Nhưng những mặt khác, nó chẳng có cái nước mẹ gì hơn tao cả.
Mày biết không, tao vừa gặp lại Bí thư đấy.
Y vừa đi du học châu Âu. Từ Singapore, hay nơi nào đó đại loại thế.
“Singapore không nằm ở châu Âu.” Bí thư phì cười.
Ờ thì đã nói là đại loại thế mà.
Chiều thứ hai đầu tiên của tháng chín, y gọi điện cho tao. Tao chẳng hiểu tại sao y biết số tao nữa. Này, em có khoẻ không? Tình hình học hành thế nào? Các bác ở nhà vẫn mạnh khoẻ chứ? Anh vừa về Việt Nam. À, anh và em ở cùng một phường à? Lâu quá rồi có muốn ăn tối không?
Bí thư vẫn là bí thư, lịch sự và mềm mỏng như thế đấy.
Tao dắt xe ra khỏi nhà, lúc Bác học mới ngủ dậy đang đánh răng. “Aỳ i âu ế?” Nó lầm bầm gì trong cái miệng đầy bọt trắng. Tao đi gặp Bí thư mới về Việt Nam. Mặt Bác học nghệt ra, tao không nghe nó nói gì cho tới khi rồ máy phóng ra cửa.
*****
Tao gặp Bí thư ở khu thương xá mới xây. Nhìn từ xa tao đã nhận ra cái dáng thư sinh lịch lãm đó. Y hình như cao hơn trước, tóc để dài chấm vai, hình như hơi nhuộm nâu. Nhưng mày hiểu không, cái kiểu chăm chút nghe có phần ái ái ấy lại làm vẻ đẹp trai của y càng nổi bật. Khi y quay lại nhìn tao mỉm cười, tao nghe tim mình thót lên một cái. Y vẫn khôi ngô quá, đôi mắt vẫn sáng quá, cái miệng cười vẫn thanh tú lịch thiệp quá mày ạ.
“Em ăn tối chưa? Có muốn ăn gì không? Anh đãi.”
“Thật chứ ạ!” Tao trả lời ngay, và lập tức xấu hổ.
Mười phút sau tụi tao đã ngồi trong nhà hàng KFC. Bí thư ngồi uống nước ngọt trong lúc tao nhồi nhét gà chiên vào miệng. “Ao anh ông ăn ạ.” Tao nói, tự nhiên thấy mình giống thằng Bác học hồi chiều quá thể.
“Mình đã chán những món này rồi.” Đôi môi mỏng hơi cong lên, Bí thư mỉm cười nhã nhặn. Nãy giờ mới nhận ra y nhìn tao chăm chăm. Bạn của mày thì đang liếm mỡ gà trên ngón tay.
Lúc tao đã đánh chén no nê tới mẩu xương cũng chẳng còn, đang lau miệng bằng khăn giấy thì Bí thư mở lời: “Trông mình có gì khác trước không?”
Thật là một câu hỏi lạ lùng.
“Anh đẹp trai hơn nhiều lắm.” Tao trả lời thật thà. “Nhưng mà hơi xanh quá.”
“Chắc do chưa ăn tối đấy. Cả bữa trưa nữa.”
Tao cắn môi.
“Anh à, anh vẫn giữ thói quen ăn uống vậy sao?”
“Ư, ừm, chắc vì không nấu ăn được mà lại ngán đồ ăn ở ngoài quá đấy.”
Bằng một động tác rất tự nhiên, Bí thư đưa bàn tay đang đeo găng đen gạt tóc ở ngang tai. “Em còn nấu ăn chứ? Tối nay ghé qua nhà anh nấu gì đó được không?”
Tao đi với Bí thư về nhà y. Y đang ở lại một căn nhà lớn, của bà cô ông bác hay đối tác làm ăn gì đó với cha y. Căn nhà có một mình y. Rộng rãi đến khiếp. Y chỉ ở nhờ mà coi nhà thôi, với một bà lau dọn chỉ làm ban ngày. Y nói thế, nhưng không giải thích gì nữa. Tao cũng không hỏi.
Tủ lạnh trống trơn. Chỉ có mấy thứ đầu thừa đuôi thẹo với đồ ăn sẵn.
Gia vị và đồ làm bếp lại đầy đủ – rõ là căn bếp rộng tiện nghi này đã được dùng để làm bếp, chỉ có điều là không phải do Bí thư. Tao chỉ xào được mì tôm, với trứng gà và cà chua.
“Ngon thật.” Y vừa ăn vừa tấm tắc khen, trong lúc tao mải ngắm nghía cái lò nướng bánh.
“Em biết làm bánh à?”
“Ơ, vâng.” Tao giật mình, vẫn không rời mắt được cái lò nướng xinh đẹp quyến rũ kia. “Chỉ học được một chút từ bà cô thôi ạ.”
“Em vẫn giỏi giang vậy nhỉ, cái gì cũng làm được.”
Được nam sinh ưu tú nhất trường ngày trước khen tặng như thế làm tao ngượng chín mặt.
“Anh à, chẳng phải anh mới là người giỏi giang sao. Hôm nay anh không nói trước, lần tới em sẽ nấu cái gì khác đàng hoàng hơn.”
“Mình ấy à, không đâu, mình thì phải nói thế nào nhỉ.” Bí thư vỗ trán, vờ suy nghĩ, rồi bật cười.“Làm được mọi thứ, nhưng chẳng làm được gì cả. Chẳng phải đó là câu nói cửa miệng của em sao, Kihmari?”
*****
Tao biết mày ghét Bí thư. Y là cái thằng sau lễ chào cờ hôm ấy đã lên nói trước toàn trường về vụ của M.L. y đã trả lời báo chí với tư cách đại diện học sinh. Mày ghét y vì vẻ mặt thản nhiên làm ra bộ đau buồn của y. Vì y đã nói những lời đại loại như: “Vâng, việc của bạn M.L là một việc đáng tiếc. Chuyện này đã khiến tập thể học sinh trường THPT vô cùng xấu hổ. Chúng tôi hy vọng bạn M.L sẽ có lời giải thích và xin lỗi, đồng thời sẽ có biện pháp kỉ luật trước toàn trường.”
Kỉ luật trước toàn trường? Tao vẫn tự hỏi chuyện đó có gì giống như biêu đầu giữa chợ không?
Vài ngày sau, Bí thư đến nhà M.L. Tao có ở đó, mày cũng có ở đó. Y bảo con bé, với nụ cười rất nhựa. Mình đến đây là đại diện cho toàn thể học sinh (Toàn thể học sinh? Tao, mày và Bác học – ít nhất ba đứa tụi mình – hoá ra đã là du côn thất học rồi hả) hy vọng M.L không đi học trong thời gian tới nữa, vì những lời đồn đãi gây ảnh hưởng đến danh tiếng của nhà trường cũng như việc học tập của toàn thể học sinh.
M.L chỉ gật đầu quay vào phòng. Tao còn nhớ đã phải lao ra kéo mày lại. Đôi mắt mày gườm gườm nhìn Bí thư – Y chỉ bình thản mỉm cười.
Mấy hôm sau, M.L tự sát. Ở sân trường. Tại sao lại là sân trường? Cái con bé ấy, chẳng có mấy bạn bè, từ lúc nổi tiếng rồi cũng chẳng mấy khi lên lớp, là nỗi xấu hổ của nhà trường – mà lại quyết định như thế sao? Tao không hiểu nổi. Sau đó mày đánh Bí thư. Mày đấm y một cái, chỉ một cái, vì nếu bồi thêm nhát nữa, mày sẽ không dừng được mà đánh chết y mất. Bí thư bất tỉnh – được cõng ra ngoài, còn mày thì bị gọi lên phòng giáo vụ.
Có lẽ mày sẽ ngạc nhiên lắm, khi biết trước đó tao đã từng nấu ăn cho Bí thư. Và bây giờ, sau khi gặp lại Bí thư ở thành phố, tao bắt đầu lên nấu ăn cho y vào cuối tuần. Phải, giữa chúng ta đã xảy ra nhiều chuyện như thế. Vậy mà tao vẫn đến. Mày có giận tao không? Mày có nghĩ là tao phản bội lại chúng mày không?
*****
Mọi chuyện đã bắt đầu vào ngày cắm trại. Ngày cắm trại năm bọn mình lớp 10. M.L không tham dự được vì nó đã đón tàu ra thành phố thi hát. Tháng ba năm ấy trong xanh vô cùng. Nhưng đến sáng ngày cắm trại, thì trời sầm sập đổ mưa.
Không phải là mưa thường, trời mưa đến tối tăm mù mịt. Đến thối đất thối cát. Ông trời như cố trêu ngươi tụi học trò háo hức chờ ngày trại đến. Dù mưa từ năm giờ sáng, lũ học trò vẫn lục tục kéo đến sân trường với hy vọng mưa sẽ tạnh hoặc trại sẽ tiếp tục như cũ. Cổng trại đã làm rồi. Thức ăn đã đặt rồi. Với các anh chị khoá trên, còn thảm hơn nữa – ba năm nay mới có cắm trại một lần. Đó sẽ là cơ hội cuối cùng họ được đi cắm trại cùng nhau trước lúc tốt nghiệp.
Mặc cho hàng trăm đứa học trò đứng dưới sân chờ đợi, ông trời vẫn không ngớt mưa. Một chốc, sân trường đã ngập trong nước.
Bọn học trò vẫn đứng yên chờ đợi. Không một tiếng kêu la. Không một lời càu nhàu. Yên tĩnh đến lạ. Chỉ có tiếng mưa ào ào trút xuống. Mặt đứa nào đứa nấy tái ngắt, môi tím bầm vì lạnh.
Các bạn cứ bình tĩnh. Bí thư nói trên loa. Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ quyền lợi của học sinh vân vân vân vân và vân vân. Các bạn hãy bình tĩnh ra về, tôi sẽ thưa với hội đồng giáo viên vân vân và vân vân. Nếu trưa nay mưa gió tạnh, tôi tin là kế hoạch cắm trại sẽ vẫn được tiến hành như cũ. Vân vân và vân vân.
Khi Bí thư nói xong, một làn sóng xôn xao dâng lên giữa biển học trò nãy giờ im lặng. Lời nói của Bí thư, có lẽ đã mang tới chút gì gọi là hy vọng.
Nhưng mày nhớ không, tụi mình đã không cắm trại vào năm ấy.
Vì đến giữa trưa, thầy hiệu trưởng thông báo cho toàn thể học sinh ra về, huỷ cắm trại.
Đám học trò vỡ oà ra trong cảm xúc thất vọng tột độ. Một vài nữ sinh cuối cấp cầm ô, mặc áo mưa ôm nhau khóc. Về thôi, tao buồn ngủ lắm rồi. Bác học ngáp, tay ôm khư khư tấm ảnh Bác hồ bọc nylon dùng cho cổng trại. Tao không thấy buồn lắm, nhưng cũng bị không khí đó bóp nghẹt. Không thấy Bí thư đâu. Tao chợt nghĩ, nếu y đã không cất tiếng qua loa từ lúc ấy, đã không cho bọn mình hy vọng, thì bọn mình đã không chờ lâu đến thế, và cũng không buồn nhiều thế này.
Học sinh tản dần về. Trời càng lúc càng xám xịt. Buổi trưa, sân trường đã không còn ai, trừ mấy thanh tre của cái cổng trại lớp nào giẫm gãy nát trong sự bực bội.
Chẳng còn ai cả, ngoại trừ Bí thư.
Tao che dù đi chợ qua cổng trường, chợt thấy y đứng một mình trên sân. Không áo mưa cũng không ô dù. Y cứ đứng thế cho mưa lạnh xối xuống đầu. Tao tiến lại gần. Nghe động, Bí thư quay lại nhìn tao, rồi liền nở nụ cười.
“Em S. còn ở đây à, lớp 10/4 đã về rồi cơ mà?”
“Anh biết tên em sao?”
“Có gì đâu, chúng mình học cùng trường mà.” Bí thư tròn mắt như thể đó là điều dĩ nhiên, dù trước đó tao và y chưa từng tiếp xúc. “Em tên S., học lớp 10/4, trại này em là đại diện thi nấu ăn, thi nhảy bao bố, thi vẽ tranh, thi đua xe đạp chậm của lớp 10/4 đúng không?”
Đừng nói là y nhớ tên tao vì cái sự bao đồng đó chứ. Y như tao đoán, bí thư tiếp ngay bằng nụ cười động viên. Hoặc an ủi. “Em năng động nhỉ?”
“Không phải năng động.” Tao nóng hết cả mặt. “Chỉ là giờ chủ nhiệm ấy em bị cảm nằm nhà, tụi ở lớp chỗ nào còn trống cứ thế điền tên em vào thôi. Anh còn ở đây làm gì?”
Bí thư không trả lời tao. Thay vào đó, y giơ tay che mắt ngẩng mặt lên trời, chợt nói lớn: “Mưa to quá nhỉ.”
“Vâng ạ.” Tao gật đầu vẫn không hiểu ý tứ ra sao.
“Mưa thế này thì không thể cắm trại được cũng có lý nhỉ?”
“Dạ, dĩ nhiên rồi ạ.”
Bí thư quay đầu, lại mỉm cười. giọng y vẫn thản nhiên. Nhưng nụ cười rất buồn.
“Vậy thì chẳng ai có thể trách mình được nhỉ?”
Tao lặng đi.
Mưa càng lúc càng nặng hạt. Trời tối sầm. Dưới sân trường Bí thư vẫn đứng yên lặng. Nước lạnh như đá chảy ròng ròng trên gương mặt, làm nụ cười tái ngắt.
“Em không trách anh đâu.”
Nghiêng dù che cho Bí thư, tao bảo y thế, lồng ngực vẫn thấy ngang ngang.
“Mà chẳng có ai trách anh được đâu. Nhà anh ở gần ga phải không. Để em đưa về một đoạn.”
Tao đi bộ với Bí thư về nhà y chiều hôm đó. Ba mẹ y đã đi đâu cả, đinh ninh là cả ngày y sẽ ở trường. Người giúp việc lại nghỉ, ông già giữ vườn về quê, nên cuối cùng tao phải ở lại với y lâu hơn dự kiến. Trong tủ lạnh nhà y còn đầy thức ăn, tao nấu trong lúc y dội nước nóng cho tỉnh người trong phòng tắm. Bí thư hâm hấp sốt. Y cố cười, em về nhà đi kẻo ba mẹ lo. Tao không trả lời y. Nhà tao, như mày vẫn biết, thả cho con cái đi tự do tới đâu thì tới.
Tao lục lọi đồ ăn trong bếp hâm lại cho y rồi ngồi chờ y ăn trong khi đọc lướt qua cuốn tiểu thuyết để trên bàn.
“Này, ngon lắm đấy.” Bí thư tấm tắc khen.
“Toàn là đồ ăn sẵn mà anh.”
“Ờ nhưng nếu là mình mình chẳng biết làm gì đâu. Em giỏi quá, cái gì cũng làm được nhỉ.”
“Em chỉ làm được những thứ em làm được thôi.” Tao dừng lại trên trang giấy, đoạn tác giả đang miêu tả ngôi nhà thờ nào đó ở thành phố nào đó.
“Thôi nào.” Bí thư lắc đầu. “ Đừng tự hạ thấp mình như thế chứ.”
*****
Tao biết mày ghét Bí thư. Tao biết Bác học cũng ghét Bí thư. Mày ghét y vì M.L. Bác học ghét vì bản tính của y, như một con rối vô cảm, sẵn sàng đứng lên đầu thiên hạ theo mệnh lệnh có sẵn.
Nhưng ngày mưa đó, khi che ô cho y đi về, nhìn thấy nụ cười nhẹ nhõm của y giữa cơn mưa lạnh buốt, tao hiểu rằng mình không thể nào, không thể nào ghét được Bí thư.