Cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Lư Tân Hoa, tác phẩm được coi là "kỳ thư có chung cái lạ kỳ với Nhật ký người điên của Lỗ Tấn".
Nửa cuối năm 2004, nhà văn Lư Tân Hoa gây xôn xao dư luận ở Trung Quốc với tiểu thuyết Tử cấm nữ, trong tháng đầu tiên đã bán được gần 60.000 bản. Tử cấm nữ là lời tự bạch những sắc thái tình cảm của một thạch nữ trong tình yêu với ba người đàn ông, cũng như quá trình "mở cửa" thể xác của cô.
Tác phẩm được nhà phê bình văn học Trần Tư Hoà đánh giá là "nung luyện trong lò lửa sự huyền bí cuộc sống, trai gái tự tình, thể xác tự bạch, tâm trạng dị quốc tha hương, luân lý và dục vọng, nhưng hơn hết ẩn đằng sau đấy là sự đau khổ không gì sánh nổi của quá trình giải thoát khỏi những phong kín, bế tắc, hướng tới tự do mở cửa của cá nhân và cả dân tộc Trung Hoa". Cuốn sách được xem là "kỳ thư có chung cái lạ kỳ với Nhật ký người điên của Lỗ Tấn".
Lư Tân Hoa sinh ngày 28/1/1954, tại Như Cảo, Giang Tô, Trung Quốc; thuở nhỏ sống với cha ở tỉnh Sơn Đông. Nhập ngũ năm 1973, ông từng làm Đại đội trưởng đại đội trinh sát ở Khúc Phụ, Sơn Đông. Sau khi rời quân ngũ, ông được bố trí vào làm công nhân sơn trong nhà máy lọc dầu Thông Nam, Giang Tô. Tháng 11 năm 1978, Lư Tân Hoa nổi tiếng với truyện ngắn Vết thương (tác phẩm khơi dòng trào lưu Văn học Vết thương) khi còn là sinh viên năm thứ nhất khoa Trung văn, Đại học Phúc Đán. Sau khi tốt nghiệp, ông làm biên tập cho báo Văn hối, mấy năm sau bỏ việc đi buôn, được tôn là "Người đầu tiên đi buôn trong làng văn nghệ Trung Quốc". Năm 1986, ông tự túc sang Mỹ làm nghiên cứu sinh. Trong thời gian ở Mỹ, Lư Tân Hoa đã làm rất nhiều nghề kiếm sống,... Hiện ông là nhà văn tự do, thường xuyên đi về giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cuối năm 2004, sau hơn hai chục năm lặng tiếng, Lư Tân Hoa lại "tái xuất" với tiểu thuyết Tử cấm nữ (NXB Văn nghệ Trường Giang, Trung Quốc ấn hành). Theo tác giả đây chính là kết tinh từ góc nhìn mới để xét sự xung đột văn hoá Đông Tây. Ngay sau khi Tử cấm nữ được phát hành, rất nhiều trường đại học, hội nghiên cứu văn học ở Trung Quốc đã tổ chức các cuộc hội thảo tranh luận gay gắt và đều đi đến một nhận định chung: Tử cấm nữ đạt đến trình độ rất cao về sự suy xét lại lịch sử Trung Quốc. Giáo sư Trần Tư Hoà xem đây là tác phẩm ông tìm kiếm hơn hai chục năm nay bởi nó vừa thể hiện được nhiệt tâm trong chuyện chăn gối, tình yêu nam nữ của các nhà văn sau thập kỷ 90 của thế kỷ XX lại vừa thể hiện sự quan tâm tới thời cuộc, quốc gia đại sự... Bởi thế, khi đánh giá, bình luận về Lư Tân Hoa, báo chí Trung Quốc đã nhận định: "Nhờ Vết thương đứng vào hàng ngũ nhà văn đương đại nổi tiếng, mượn Tử cấm nữ lạnh lùng xét Trung Quốc trăm năm".