Internet là chất liệu chính của Blogger (2008), tiểu thuyết của Phong Điệp. Tác phẩm mô tả xã hội Việt Nam hôm nay trước thử thách của kỷ nguyên mạng.
Trong Blogger, thực và ảo tồn tại bên nhau, hòa vào nhau nhiều khi không phân biệt nổi. Rất nhiều giọng nói khác nhau cất lên, nhưng tác giả không cảm thấy cần phải cho chúng một căn cước. Phong, một nữ nhà văn trẻ, viết một cuốn tiểu thuyết trong đó nhân vật chính là một cô gái tên Hạ. Phong cho đăng dần tác phẩm trên blog riêng, tranh luận về nó với độc giả, trong đó có Diệp, người bạn gái thân. Nhưng rất nhanh, người đọc cảm giác rằng cả Phong và Diệp chỉ là những phiên bản của Phong Điệp, tác giả cuốn tiểu thuyết họ đang đọc. Tất cả càng trở nên bí ẩn hơn khi một giọng nói bất ngờ cất lên : “Tôi là Hạ ? Tôi là Phong ? Hay là Diệp ? Tôi không biết”.
Hạ, nhân vật chính cuốn tiểu thuyết đang viết của Phong, là nhân viên trong một cơ quan ở Hà Nội. Cô đơn bởi gốc gác tỉnh lẻ và nghèo hèn, cô bị đồng nghiệp xa lánh, người tình bỏ rơi sau nhiều lần buộc phải phá thai. Để quên đi thực tế, cô lao vào Internet. Cũng như nhân vật nữ của Vũ Phương Nghi, cá tính nhút nhát đầy mặc cảm không ngăn cản nhân vật nữ của Phong Điệp trở thành một hot blogger. Như vậy, Phong Điệp đã cho Hạ thành công trên mạng điều mà cô thất bại trong đời thực. Cứ như thể thành công hay thất bại trong giao tiếp phụ thuộc vào một điều duy nhất: cơ thể của Hạ tồn tại hay không tồn tại trước kẻ đối thoại với cô. Trong thế giới thật, sự yếu kém trong giao tiếp của Hạ bắt nguồn từ cái cơ thể nữ luôn đau đớn của cô, nạn nhân của nghèo đói, của hung bạo tình dục, của phá thai, của tự hủy hoại (đấy là lựa chọn cuối cùng của Hạ). Ngược lại, trong thế giới ảo của Internet, cô là người không căn cước, hơn nữa không cơ thể. Và vì thế, cô mạnh mẽ.
Nhưng Blogger còn đẩy vấn đề đi xa hơn nữa : sau khi biết tin Hạ chết, các friendlists của cô sẽ ra khỏi thế giới ảo của Internet để tổ chức tang lễ cho cô. Như vậy, blog cùng một lúc đã mang lại cho cô hai điều (mà ai ai chúng ta đều tìm kiếm, nhưng vô vọng, trong cuộc sống thực): như một nhật kí, nó là nơi cá nhân được hiện hữu qua những dòng viết trên mạng, nhưng nó cũng là nơi cá nhân trao đổi với cộng đồng mạng, một cộng đồng lý tưởng trong đó không tồn tại những niêm luật gò bó của một xã hội thông thường. Đúng là Blogger đã xuất phát từ một đề tài không mới - mâu thuẫn giữa cá nhân và thế giới (thế giới bên trong và thế giới bên ngoài): Hạ không chỉ gây chiến với “xếp” mà còn với chính những cái “tôi” khác của cô (đó là những “nó”, “bé con”...). Nhưng tác giả đã hướng về một cách giải độc đáo : Phong Điệp cho nhân vật của mình sống trong một trạng thái tâm thần phân lập triền miên, dưới sự thống trị của internet.
Như vậy, qua câu hỏi về ảnh hưởng của Internet vào quá trình cá nhân hóa trong xã hội Việt Nam, Blogger đã góp phần làm lung lay những biên giới vốn có từ bao đời, giữa thật và ảo, tư và công, cơ thể và trí tuệ, cá nhân và thế giới.