Tiểu thuyết Tương Tác của nhà thơ Triệu Từ Truyền là tác phẩm kén người đọc. Ngay tựa tác phẩm đã làm người đọc phải suy ngẫm, dù tác giả là một nhà thơ đã trải qua nhiều thăng trầm và kinh nghiệm thực tế.
Với cốt truyện khá hấp dẫn, được viết theo tư duy của một nhà thơ giàu suy tưởng, cùng những tình tiết tưởng như đơn giản nhưng thật ra đều có chủ đích, như tảng băng ngầm, người đọc nếu chỉ lướt qua sẽ khó cảm nhận được những gì tác giả gửi gắm qua từng con chữ.
Sử dụng nhiều thủ pháp như đồng hiện, độc thoại, hồi ức, tự truyện, truyện trong truyện... Tiểu thuyết Tương Tác đưa người đọc vào quá khứ, hiện tại và tương lai, được trộn lẫn đan xen lồng trong các sự kiện và nhân vật. Nhân vật trong tiểu thuyết Tương Tác chỉ là cái cớ, là tác nhân để tác giả trình bày nhận thức quan điểm mình trước cuộc đời - với chiều kích tầm nhìn của một người đã từng nếm trải bao cay đắng ngọt bùi. Lấp lánh tư duy đổi mới, mạnh dạn và đầy sáng tạo.
Nhân sinh quan trong tiểu thuyết Tương Tác có thể nói gọn là sự tương giao đối tác trên nhiều phương diện, nhiều góc cạnh của cuộc sống, giữa người với người, giữa tôi và anh, giữa tôi và các anh, giữa chúng ta và thế giới.
Trong những tương tác ấy có việc vui, có việc đáng buồn, thậm chí quá buồn! Có những việc ngậm đắng nuốt cay, cười ra nước mắt. Có những việc không nói được nhưng đều hiểu được.
Kỳ lạ thay, có những việc tưởng như không thể chịu đựng nổi nhưng rồi con người bằng cách này cách nọ đã vượt qua. Ngay cái chết cũng là một cách giải quyết tận cùng. Mà có phải tận cùng không?
Thiện và ác, sự sống và cái chết luôn song hành tương tác, hỗ trợ và kềm chế lẫn nhau. Đó có phải là quy luật cuộc sống? Sự tương tác ngầm chứa thuyết tương đối của Albert Einstein và thuyết lượng tử. Tương đối thôi, chớ tuyệt đối cực đoan, rồi mọi việc sẽ qua.
Con người vốn tò mò, khám phá và giàu suy tưởng, tìm tòi những chân trời mới, tìm đến cốt lõi cuộc sống. Những cuộc giải bày, tranh luận cốt để sáng thêm ra, để cuộc sống ngày càng tốt hơn - dó là điều đáng quý. Nhưng dù thế nào đi nữa, so với thế giới và vũ trụ, con người chỉ là hạt bụi, dẫu là hạt bụi lấp lánh. Nói như Newton thì con người là cây sậy biết suy nghĩ.