Đây là một số tác phẩm của Vũ Bằng chúng tôi sưu tầm được trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, Hà Nội (từ 1941 đến 1950) và trên báo Mới, Sài Gòn (từ 1953 đến 1954). Tiểu thuyết thứ bảy do Vũ Đình Long làm chủ nhiệm. Ông được xem là kịch tác gia đầu tiên và là nhà hoạt động xuất bản, nhà văn hóa lớn của Việt Nam đầu thế kỉ XX. Ra đời năm 1934, Tiểu thuyết thứ bảy chuyên đăng tiểu thuyết, truyện ngắn, có vai trò và ảnh hưởng quan trọng trong đời sống văn học Việt Nam trước 1945. Sau Ngọc Giao, Vũ Bằng đã nhiều năm đảm đương nhiệm vụ thư ký tòa soạn của báo này. Báo Mới do Phạm Văn Tươi - một nhà hoạt động xuất bản có tiếng - làm giám đốc. Tên ông cũng là tên một nhà xuất bản lớn ở miền Nam trước năm 1954. Ngoài sáng tác của Vũ Bằng, báo Mới còn đăng nhiều tác phẩm của các nhà văn miền Bắc khác như Lê Văn Trương, Ngọc Giao, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Thụy An, Nguyễn Thị Vinh,…
Những tác phẩm của Vũ Bằng trên Tiểu thuyết thứ bảy rất đa dạng, có tản văn, phóng sự, truyện, ghi chép về các phong tục tập quán của dân tộc, tiểu luận văn chương (Con thuyền thần tiên) và cả truyện cổ tích (Cô gái chữa bệnh sừng).Đó là kỷ niệm về người mẹ và những bức tranh dán tường thời thơ bé, những câu chuyện tình yêu hạnh phúc và đau khổ, những suy nghĩ, ghi chép về mùa xuân, ngày Tết, chuyện Stefan Zweig tự tử,... Trong những câu chuyện đó, bao giờ Vũ Bằng cũng lồng vào những suy nghĩ riêng khá độc đáo của mình, vẫn tràn đầy một niềm tin vào dân tộc, con người, vào sự tiến bộ. Đặc biệt, ông còn viết truyện thời sự (Chương trình hai ngày, Thông cáo về việc gạo). Trong hai truyện mang tính chất trào phúng này, ta thấy lại cái nhốn nháo của một Hà Nội trong thời kỳ bị thực dân Pháp tạm chiếm với bọn đầu cơ chính trị, bọn công chức bất tài vô dụng.
Trong những tác phẩm của Vũ Bằng đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy, đáng chú ý nhất là phóng sự dài Khúc ngâm trong đất Hà được viết trong năm 1949. Bắt chước Bạch Cư Dị ngày xưa viết mười bài Tần Trung Ngâm tả những điều tai nghe mắt thấy ở đất Tần, tức là Trường An, kinh đô nhà Đường, Vũ Bằng cũng định viết một phóng sự dài 12 tháng gồm mười hai bài “mắt thấy tai nghe” ở đất Hà, tức là Hà Nội. Nhưng rất tiếc sau đó Tiểu thuyết thứ bảy có sự thay đổi nhân sự điều hành nên Khúc ngâm trong đất Hà đã phải dừng lại ở phóng sự tháng tám. Ở phóng sự này, có những cảnh đời, những nghịch cảnh trong chiến tranh, có tiếng hát và tiếng khóc, giàu có và nghèo hèn, kẻ béo tốt và người chết đói, giá gạo thóc, thực phẩm thời khó khăn, nghề buôn chính trị, giải pháp Bảo Đại, óc đảng phái, trí thức trùm chăn, “lực lượng thứ ba”,…
Có thể mượn lời Lại Nguyên Ân khi sưu tầm tác phẩm của Vũ Bằng trên Trung Bắc tân văn để nói về Khúc ngâm trong đất Hà,về các truyện thời sự, ghi chép,… nói trên: “Đây không chỉ là các tác phẩm mà còn là những tư liệu, thậm chí là loại tư liệu hiếm, quý, về những phương diện khác nhau”.
Còn trên báo Mới, tác phẩm của Vũ Bằng gồm có ba phóng sự và ba truyện. Ngoài ra còn có một ghi chép mang tên Sự quan trọng của lễ động thổ đầu năm trong xã hội Việt Nam ngày trước và bây giờ in trên số Xuân Quý Tỵ 1953 với bút danh Tiêu Liêu. Ba phóng sự là Hà Nội trong cơn lốc, Lo thầy chạy thuốc, Người văn nghệ, anh đi đâu? Các phóng sự này đã được chúng tôi giới thiệu trong cuốn Hà Nội trong cơn lốc (Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2010).
Ba truyện của Vũ Bằng trên báo Mới gồm có Rước thủy tiên (1953), Tình đặc biệt, Ăn Tết chữ (1954). Rước thủy tiên sau này được Vũ Bằng sửa tên lại là Ăn Tết thủy tiên đăng trên Nguyệt san Tân Văn (số 6 – 1970, Sài Gòn) và đã được in lại trong Tuyển tập Vũ Bằng (2000) và Toàn tập Vũ Bằng (2006) nên chúng tôi không giới thiệu ở đây. Riêng Ăn Tết chữ, Vũ Bằng cũng cho in lại trên Nguyệt san Tân Văn với tên là Mê chữ, nhưng chỉ có phần đầu. Tuyển tập Vũ Bằng (2000) và Toàn tập Vũ Bằng (2006) cũng dùng bản không đầy đủ này. Vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu lại toàn văn truyện này. Ăn Tết chữ cho ta gặp lại một Vũ Bằng tinh tế, tài hoa, uyên bác khi viết về về một thú ăn chơi tao nhã. Tình đặc biệt lại là một câu chuyện tâm lý pha lẫn trinh thám với nhiều tình tiết ly kỳ hấp dẫn khiến người đọc không thể dừng lại nửa chừng.
Cùng với Hà Nội trong cơn lốc mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây, những tác phẩm mới tìm thấy này giúp cho chúng ta hiểu thêm về một Hà Nội trước và sau Cách mạng tháng Tám, một Vũ Bằng tài hoa nhưng lận đận. Rất mong nhận được những nhận xét, góp ý của bạn đọc và giới nghiên cứu.
(Võ Văn Nhơn - Hà Minh Châu)