Hương người yêu tôi, thương nhớ tôi vô hạn. Em rất liều lĩnh, cả gan tuyên bố trước ba mẹ: trừ khi nào tôi bỏ em đi với người khác, em mới chịu lấy chồng. Ấy thế mà, cuộc đời ơi!... Những năm chống Mỹ, có mẹ con cô bé người Hà Nội sơ tán về làng tôi. Ngày ngày, bóng hình cô bé thành phố sáng láng dưới hàng cây rợp bóng quanh đình khiến lòng tôi xốn xang. Tôi muốn làm quen với cô quá, nhưng không biết cách nào. Thế rồi, một chiều thả bò ngoài bãi, trời nắng gắt, tôi mò vào đình leo lên cây nhãn, nằm vắt vẻo trên một cái chạc ba mở quyển truyện ra đọc. Bọn trẻ con xúm lại lắng nghe. Trên cái vòm nhãn cao cao nghiêng xuống mặt đình cong cong cổ kính, qua lời đọc của tôi, hình ảnh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung hiện ra một cách mộng mơ, đẹp đẽ lạ thường. Lũ bạn tôi khoái quá, mắt đứa nào cũng mở tròn, nuốt lấy từng lời tôi đọc. Lúc ấy, tôi có cảm giác rằng, những con người trong căn nhà nhỏ bé kia cũng đang chăm chú lắng nghe. Đến đoạn nàng công chúa con vua ngỏ lời cầu hôn với chàng trai con nhà kéo lưới bên sông Hồng. Tất cả chúng tôi sướng quá reo ầm lên, chả để ý gì đến tốp máy bay đang gầm rú ngoài bến phà. Cho đến khi tiếng bom nổ như dậy đất, lũ bạn tôi mới nháo nhác, đứa nhảy, đứa tụt xuống gốc, chả còn để ý gì đến tôi nữa. Cây nhãn chao mạnh. Do bất ngờ, tôi không kịp phòng bị, nên lăn nhào xuống đất cùng với cuốn truyện. Khi mở mắt ra, tôi thấy mình đang nằm gọn trong một cái giường bạt cá nhân. Một người đàn bà ăn vận sang trọng và một cô bé chừng 15, 16 tuổi, đôi mắt long lanh như mắt búp bê, tóc hoe vàng, mặt trắng hồng nom rất lanh lợi, đang đứng bên giường, lo lắng nhìn tôi. Tôi nằm im không dám cựa quậy, chỉ còn biết nhắm nghiền mắt lại trước những người xa lạ ấy. Sau tôi mới biết được, khi tôi ngã, lũ bạn tôi hốt hoảng kêu ầm lên. Đình xa làng, lại đang lúc máy bay đánh phá, nên chính hai mẹ con bà Hà Nội sơ tán kia đã ra khỏi hầm, đưa tôi vào nhà, xoa bóp, hú vía, đánh gió cho tôi... sau lần ấy tôi cạch không dám trèo lên cây nhãn nữa. Nói cho đúng, tôi rất ít khi đến khu đình đó nữa, vì cứ thấy ngường ngượng thế nào ấy mỗi khi nghĩ đến bà Hà Nội và cô bé sơ tán.
(trích đoạn)