Biết bao nhiêu sự hối hận rung động lòng tôi! Nó trách tôi đến thăm cụ muộn quá. Với cụ, tôi không phải là kẻ họ hàng thân thích, hay người cùng tỉnh cùng huyện. Sở dĩ biết nhau chỉ vì một chuyến tàu thủy chạy từ Hà Nội xuống Nam Định, chuyến tàu chở dân lều chõng lần cuối cùng. Bấy giờ tàu cạn ở trên cửa Luộc, phải dừng lại đó suốt hai ngày một đêm để chờ con nước. Trong lúc suốt ngày đêm lênh đênh ngồi trên mặt nước để nghe những tiếng "dì xế dì" và "xám xế xám" của bọn mạch nô đo nước, người ta dễ thân với nhau, nếu đã cùng nhau ăn cùng mâm và nằm cùng chiếu. Nhờ vậy tôi mới trở nên người bạn của cụ, dù tôi kém cụ hơn ba chục tuổi và không phải cùng làm một nghề với cụ. Cụ yêu tôi về tính hoạt động. Còn tôi thì tôi trọng cụ ở chỗ từng trải, chất phác, có can đảm, không câu nệ, luôn luôn nhìn đời bằng con mắt lạc quan, nhất là những lúc rung đùi mà cất chén rượu, cụ đã tỏ ra người có chí khí. Bấy giờ, cụ đương buôn than, thường lên Hà Nội mua hàng tải về Nam Định. Nhưng cụ cũng có biết chữ, chữ quốc ngữ đủ để đọc báo, chữ Hán thì có thể hiểu những cuốn Tam quốc chí hay là Chinh đông chinh tây. Sau mấy ngày tình cờ hội ngộ, chúng tôi biệt nhau khi tàu cập bến Nam Định. Từ đó, tuy không gặp nhau, nhưng mà hai bên vẫn có thư từ đi lại. Mỗi lần cụ đổi nghề này làm nghề khác, đều có viết giấy cho tôi. ân hận hơn hết là cái giấy mời tôi đến làng Lão Việt dự tiệc bảy mươi, cái tiệc người ta ăn vạ cụ về tội dám sống đến bảy chục tuổi để là "cụ thượng" làng ấy.
(trích đoạn)
Về tác giả
Ngô Tất Tố (1893- 1954) sinh ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông là nhà văn, nhà Nho học, nhà nghiên cứu, dịch giả có ảnh hưởng ở Việt Nam giai đoạn trước 1954. Ngoài ra Ngô Tất Tố còn là một nhà báo nổi tiếng, viết nhiều thể loại báo chí nhưng thành danh với tiểu phẩm và phóng sự.