Raymond Carver từng nói luôn có thể “viết về những đồ vật, đồ đạc bằng thứ ngôn ngữ bình thường nhưng chính xác và bằng cách ấy ban cho chúng – một cái ghế, một tấm rèm cửa sổ, một cái nĩa, một hòn đá, một chiếc khuyên tai - sức mạnh to lớn, thậm chí gây sửng sốt.” Raymond Carver chưa bao giờ cố kể về cuộc phiêu lưu nào ly kỳ hay xây dựng nhân vật nào phức tạp. Nhiều nhân vật của ông còn không có họ, thậm chí không có tên. Nhưng khó lòng tìm được ở đâu những câu chuyện ấn tượng hơn thế, bởi như tờ Washington Post từng nhận định, “Carver là nhà văn của lòng trắc ẩn và sự chân thành, tình yêu thương và không hề giả dối, mắt ông chỉ chú tâm vào miêu tả và tái hiện thế giới như ông trông thấy. Đôi mắt ông trong sáng, và điều đó làm tan nát trái tim ta”.
Một số nhận định về tác phẩm
“Thánh Đường đã xây dựng danh tiếng cho tác giả của nó như một trong những giọng văn mới độc đáo nhất của thể loại hư cấu từng xuất hiện trên nước Mỹ trong suốt nhiều năm qua.”
- Bill Buford, Times Literary Supplement
“Mười hai truyện ngắn được tập hợp trong cuốn sách này rất đáng chú ý vì sự độc đáo của tầm nhìn mà ông [Carver] đã truyền tải qua thứ văn xuôi giản đơn mà chính xác. Carver là một tài năng lớn và táo bạo.”
- The Guardian
“Các câu chuyện trong tập Thánh Đường này rất khác nhau: một số hài hước, một số buồn đến ám ảnh. Mỗi câu chuyện đều có sức mạnh độc lập đến đáng tò mò."
- Daily Telegraph
Về tác giả
Raymond Carver sinh năm 1939 ở Clatskanie, bang Oregon, Hoa Kỳ. Sau đó, ông chuyển tới Port Angeles, bang Washington và ở đây cho tới khi tạ thế vào ngày 2/8/1988.
Ông đã từng dành học bổng Guggenheim Fellow vào năm 1979 và hai lần đoạt giải thưởng của Quỹ học bổng quốc gia Hoa Kỳ cho lĩnh vực nghệ thuật.
Vào năm 1983, Carver nhận được giải thưởng uy tín "Mildred and Harold Strauss Living Award" và giải thưởng Levinson do tạp chí Poetry trao tặng vào năm 1985.
Vào năm 1988, Carver được chọn là thành viên chính thức của Viện hàn lâm nghệ thuật và văn chương Hoa kỳ, sau đó nhận được bằng tiến sĩ văn chương tại đại học Hartford.
Ông nhận được giải thưởng Brandeis Citation cho tiểu thuyết vào năm 1988. Những tác phẩm của ông được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới
“Raymond Carver chỉ sống đến tuổi 49 và để lại không hơn bốn tập truyện ngắn và một số bài thơ, song chừng nấy đã đủ để ông được tôn vinh như một bậc thầy thực sự của văn học Mỹ hiện đại…
Đọc Carver, tôi không khỏi liên tưởng tới Chekhov, một Chekhov - dĩ nhiên ở tầm khiêm tốn hơn - của nước Mỹ ngày nay. Một nước Mỹ hậu công nghiệp, một nước Mỹ ngập ngụa trong tàn bạo, nhàm chán, trong sự tầm thường đến ê chề, một nước Mỹ đã đánh mất sự ngây thơ của mình, đồng thời mất luôn cả khả năng đón nhận hạnh phúc.
Truyện ngắn của Carver tựa như những mẫu giáo khoa về phân hủy. Làm thế nào để đánh hỏng đời mình và đời người khác, làm thế nào để nảy sinh hằn thù, điên loạn và tội ác? Carver đã tạo một thế giới thiếu vắng tình yêu, thiếu vắng đến độ dã man…”