Chị kính mến!
Về hưu, Internet với những người phụ nữ như tôi là cứu cánh chị ạ. Con cái trưởng thành, chúng nó ở riêng và có đứa ở xa, tôi không bị làm phiền với đám cháu như những người bạn của mình. Chuyên mục của chị là thức ăn hàng tuần cho tôi.
Rồi tôi viết, chị ạ, tôi là cô giáo dạy văn, từng chuyển nhiều trường nhưng có tiếng ở trong địa phương của mình. Cuộc đời tôi là những cuốn tiểu thuyết chứ không chỉ là một cuốn đâu. Nhưng sống phong phú là một chuyện, chép lại những dữ kiện cho hay lại là chuyện khác, đúng không chị?
Là một nhà giáo ở vị trí tiêu biểu, nhưng tôi từng phải ly dị. Biết nói làm sao cho chị hiểu, người ta không xấu, không độc tài, không tệ, chỉ tội là không chung thủy mà thôi. Chúng tôi có với nhau hai con, một gái một trai, nhưng con cái không giữ được quan hệ lâu dài của cha mẹ. Khi tôi đã quyết định thì mình cũng luống tuổi rồi.
Người chồng hiện tại trẻ hơn tôi năm tuổi. Chúng tôi hợp nhau, anh ấy không vì tôi đẹp hay tôi giàu, tôi hoàn toàn không có những thứ đó. Như hai cánh chim bị bão, còn sống sót và trụ lại cùng nhau trên một cành cây rách nát. May là con tôi chấp thuận, hai đứa con của anh cũng chấp thuận, không có sóng gió gì về cuộc tình này.
Nhưng cái người cũ ấy cứ khuấy động ký ức của tôi. Thế là tôi viết chị ạ, một quyển hồi ký chỉ để cho riêng mình. Tôi viết trong một lần hồi phục sau cơn bệnh dài, trước khi cầm sổ hưu. Từ những ngày suy ngẫm ấy mà tôi thấu suốt hơn nhiều điều, về những gì mình cống hiến, trăn trở, chủ yếu là về cuộc hôn nhân mà vì nó, tôi nhiều lần muốn tìm đến cái chết.
Sự chân thành của đứa con trai khi đưa bản thảo để khoe với bố đã nhận được một phản ứng kỳ khôi đúng với bản chất của ông ta. Đã nhà cao cửa rộng, vợ trẻ vợ đẹp mà ông ấy còn gây sự với tôi, rằng viết ra những điều ấy để hạ bệ ông. Tôi không hạ bệ ai cả, chỉ vì ông ấy có bệ nên mới quá sợ đó thôi.
Giờ ông ấy cũng đã “rửa tay gác kiếm” theo mọi nghĩa. Không còn gì để sợ mà vẫn cứ sợ nhỡ tôi in ra thành sách thì sao?
Theo chị, tôi phải cư xử với bản thảo này như thế nào, tôi làm như thế có phải là chọc giận chồng cũ hay không? Liệu tôi có bị lên án vì cạn tình khi viết về ông ấy như thế không?
Giữ kín email giúp tôi chị nhé.
-------------------
Bạn thân mến!
Lá thư không dài nhưng đủ cho thấy đây là một nhà giáo chứ không là cô giáo bình thường. Tôi tin, dù chỉ dạy văn cấp III nhưng chị đã không giống nhiều người, dạy cho hết giờ, dạy để kéo dài cuộc đời giáo chức cho hết thời gian. Vì vậy mà tôi tin, quyển hồi ký ấy có nhiều suy nghiệm về nghề, về những thế hệ học trò chứ không chỉ chuyện riêng tư, vợ chồng.
Đúng, với những người như chúng ta, Internet là món quà trời cho. Biết bao nhiêu tiện ích tinh thần để chúng ta kèo dài cuộc sống của người trí thức với xã hội, với thế giới. Và rất nhiều người nhờ vi tính mà trút được những tâm tư nỗi niềm tưởng sẽ “sống để bụng chết mang theo”. Vì sao người Mỹ hay những người ở các nước văn minh đều có nhu cầu viết sách? Là vì họ không nghĩ như chúng ta, rằng viết ra là vạch áo cho người xem lưng, viết ra sẽ đụng chạm.
Bây giờ, không cần một nhà in hay nhà xuất bản, người ta tự in bản thảo và đóng bìa để cho mình, gia đình, bạn bè. Khi bán thì mới cần xuất bản có xin phép. Tôi không biết hồi ký của chị ở dạng bản thảo trên trang A4 hay đã in thành quyển dưới dạng sách.
Về pháp lý thì là như vậy. Còn về tình, chị không phải sợ đã cạn tình với ai cả. Nhưng hồi ký, như chị biết, hồi ký là người thật việc thật, vì vậy mà những chuyện quá sức tưởng tượng của con người, mình cũng nên viết một cách vừa phải. Ví như chuyện về những đồng nghiệp quá xấu, ví như chuyện trăng hoa (thậm chí hủ bại) của ông chồng có bệ ấy …mình phải nương tay. Vì sao? Là vì còn các con, còn người phụ nữ hiện tại của ông ta, vân vân và vân vân.
Tiểu thuyết để tránh những phiền toái của hồi ký. Nhưng tiểu thuyết không phải ai cũng làm được. Vì vậy mà hồi ký nở rộ, và vẫn có sức hấp dẫn riêng. Nếu các con chị không thấy sốc, còn thấy khâm phục mẹ thì chị đã có những độc giả cật ruột của mình.
Không vì người cũ phản ứng mà một công trình tâm huyết như chị đánh giá, bị chìm trong bóng tối.
Chúc chị thỏa nguyện với tập bản thảo cả cuộc đời của mình. Như đứa con đã sinh ra, sự phán xét tùy và kệ cho dư luận.