Marquez được đánh giá là nhà văn hàng đầu của dòng văn học hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh. Và ông trung thành với bút pháp sáng tác này trong mọi tình huống của đời mình. Không chỉ trong các tiểu thuyết Marquez mới nhìn cuộc sống qua lăng kính của trí tưởng tượng mà ngay cả khi kể lại chính tiểu sử của mình, ông cũng vẫn dựa vào những ngẫu hứng của ký ức, lắm khi mâu thuẫn với nhau. Đối với ông, như thế thì thú vị hơn...
Và đã có lần ông kể, trong cơn hứng khởi đột ngột trào lên trên sàn nhảy thành phố nhỏ Sucre, khi vừa được trò chuyện với cô bé Mercedes, chàng trai Gabriel đã thốt lên: “Giờ anh mới hiểu ra rằng, tất cả những câu thơ anh đã viết đều là dành cho em. Hãy làm vợ anh, em nhé!” Và cô gái đã trả lời với giọng rất nghiêm túc: “Em đồng ý. Nhưng anh phải để cho em học xong trung học đã...”. Thời điểm diễn ra sự việc này dường như là vào năm 1945...
Sau này, Marquez nhớ lại: “Khi đó chúng tôi chưa đính hôn với nhau, đơn giản là chúng tôi rất nóng lòng chờ tới ngày được có cái đã dành cho mình... Chúng tôi biết rằng sớm hay muộn thì sự ước định sẽ có được nền móng thực tế của nó...”. Đã có lần Marquez kể với các nhà báo rằng, khi còn học ở trường phổ thông, ông đã nằm mơ thấy Mercedes và vì thế, đã viết một truyện ngắn về một cô bé gái luôn ấp ủ ước mơ được đi du lịch mạnh đến mức đã biến thành một con bướm bay đi chu du thiên hạ... Theo lời kể của một người bạn gái thân với Mercedes, vợ nhà văn ngày bé quả thực hay ra ngồi lên hàng rào và nhìn ra khu phố bụi bặm, mơ màng, lẩm bẩm: “Giá mình được đi khắp mọi nơi, tới các thành phố lớn, sống ở hết khách sạn này tới khách sạn khác...”. Chính bà Mercedes, cả đời chỉ trả lời phỏng vấn hai lần, cũng từng nói với nhà báo rằng, chính chồng bà đã giúp bà thực hiện được ước mơ du lịch đó...
|
Mercedes Parcha Pardo sinh ngày 6/11/1932 tại làng Maganga bên bờ Magdalena, con sông chính yếu của Colombia. Mẹ của bà là người Colombia, xuất thân từ một gia đình làm nông. Trong huyết mạch của cha bà hòa trộn hai dòng máu Palestine với Ai Cập. Marquez cho rằng, chính nhờ tổ tiên người Arab mà ở Mercedes mới có một nhan sắc bí ẩn thừa hưởng từ loài rắn sông Nile. Ông nội của bà gốc gác từ thành phố Alexandria, tới Colombia làm chủ một chuỗi tiệm thuốc ở những thành phố khác nhau. Gia đình hay phải di chuyển nơi cư trú nhưng tới đâu, cha mẹ cũng chọn cho cô bé Mercedes một trường học uy tín nhất nhưng cũng mang màu sắc Thiên chúa giáo nghiêm ngặt nhất. Mà ở trường nào thì Mercedes cũng học ở mức xuất sắc. Đó đã là một cô bé rất nghiêm túc và có trách nhiệm, rất thích nằm ngả người trên thảm cỏ gần nhà và ngắm côn trùng, chim chóc...
Mercedes đã dự định lớn lên làm nhà động vật học. Ý định bất ngờ lấy Marquez làm chồng của Mercedes thoạt tiên đã bị cha mẹ cô cho là một hành động nông nổi tuổi thiếu niên nảy sinh từ cái đầu quá say mê các tác phẩm lãng mạn của đại văn hào Anh William Shakespeare. Và họ đã không đưa ra sự cấm đoán nào để cô bé khỏi nghĩ mình cũng giống như Juliet... Thế nhưng, năm tháng trôi qua, Mercedes đã trở thành thiếu nữ và có nhiều chàng trai tới nhăm nhe nhưng cô đều lắc đầu từ chối... Cô đợi xem tới khi nào thì Gabriel mới đến xin cưới cô và không hề lo sợ có thể sẽ trở thành gái già...
Và phải nói rằng, sự chờ đợi của Mercedes không hề ngọt ngào tí nào vì cô thường xuyên được bạn bè thân quen mách bảo về những chuyện giăng hoa của Marquez. Nhưng cô luôn cho rằng, những chuyện như thế chẳng liên can gì tới tình yêu của cô cả. Cô cũng chẳng động lòng chút nào khi Gabriel thường xuyên trốn học và rồi rời bỏ khoa luật đại học để đi làm phóng viên. Mối tình sét đánh của Gabriel ở Paris với cô diễn viên người Tây Ban Nha Tachia Quintana cũng không khiến Mercedes bận tâm. Đối với cô, quan trọng hơn cả là Gabriel không bao giờ ngừng viết thư trả lời cô và tâm sự về tất cả những gì đang diễn ra với trái tim anh. Còn việc anh đồng sàng với ai ở thành phố Paris xa xôi chẳng có gì quan trọng với Mercedes cả. Trong con mắt của cô, Gabriel chỉ là một trang nam nhi như những người đàn ông khác và hiện tại, hai người chưa bị ràng buộc với nhau bởi những cam kết hôn nhân...
Ở giai đoạn đó, Gabriel và Mercedes viết thư cho nhau mỗi tuần hai, ba lần. Gabriel kể rằng, ngày nào cũng thế, mỗi khi mở mắt và trước khi chợp mắt, anh đều ngắm bức ảnh chân dung của Mercedes treo trên đầu giường anh. Và đó là sự thật. Plinio Mendosa, một người bạn của Marquez trong giai đoạn đó, nhớ lại rằng lần đầu tiên tới phòng của nhà văn danh tiếng tương lai, anh cũng đã nhìn thấy bức chân dung Mercedes: “Tôi bước lại gần tường để nhìn rõ hơn bức ảnh hôn thê của anh ấy treo trên đó: một cô gái dễ thương với mái tóc dài và thẳng... Và Marquez đã nói: “Đó là con cá sấu thiêng liêng!...”.
|
Nhà văn Gabriel Garcia Marquez và vợ thời trẻ. |
Hai người đã phải đi qua một chặng đường dài trước khi chính thức trở thành vợ chồng. Tất nhiên, không quá dài như trong tiểu thuyết lừng danh Trăm năm cô đơn, khi nhân vật chính Florentino Ariza chỉ cưới được người con gái yêu quý của mình sau 53 năm 7 tháng 20 ngày dằng dặc kể từ khi thốt lên lời thề yêu nhau vĩnh viễn... Dẫu sao thì Mercedes cũng đã phải chờ đợi 13 năm, tới khi Marquez đã 31 tuổi. Hôn lễ đã được cử hành tháng 3/1958... Hai vợ chồng trẻ đã sống tại thành phố cảng Barranquilla, trong một căn hộ hai phòng gần tòa soạn báo El Espectador, nơi mà Marquez cộng tác. Mercedes hoàn toàn không được chuẩn bị cho vai trò nội trợ và Marquez đã tỏ ra rất khoan dung với điều này và tự tay dọn dẹp nhà ở. Và nhà văn rất nhẫn nại trong việc dạy vợ nấu những món ăn mà mình ưa thích. Cái mà Mercedes rất khá là khả năng chi tiêu tằn tiện. Người vợ trẻ dễ dàng thích ứng với cảnh túng thiếu và biết chọn ngoài cửa hàng những thực phẩm rẻ nhất rồi mang về chế biến thành những món ăn ngon. Và còn một điều ở vợ khiến Marquez rất xúc động: đó là thái độ nghiêm cẩn đối với công việc sáng tác của chồng... Mercedes ngay cả khi chạm vào những trang bản thảo của Marquez cũng cực kỳ nâng niu như thể đó là thánh tích, đụng mạnh là tan thành cát bụi. Người vợ đã dần dà học được cách gìn giữ hơi ấm gia đình bền vững, theo đúng nghĩa đen của từ này. Căn hộ mà họ tá túc không có hệ thống sưởi chung, mà Gabriel khi trời lạnh thì lại không viết được. Và người vợ trẻ đã phải tìm mọi cách để căn hộ của mình luôn có đủ hơi ấm...
Xuất giá tòng phu, Mercedes mang từ nhà cha mẹ một tập thư của Marquez, nhưng chỉ vài tuần sau khi cưới, chồng chị đã yêu cầu chị hủy bỏ tất cả những lá thư đó đi. Theo lời Mercedes kể lại thì dường như Marquez đã lý giải yêu cầu đó là do không muốn những lá thư ấy rơi vào tay người lạ. Nhưng chính Marquez lại nói rằng, ông đã lo ngại rằng, một khi chung sống với nhau, mỗi khi xảy ra chuyện hai vợ chồng không đồng nhất ý kiến thì người vợ lại bảo: Thế mà anh đã viết cho em từ Paris rằng sẽ không bao giờ hành động như thế...”. Gabriel muốn thủ tiêu trước các vật chứng có thể gợi lại những lời hứa cũ của nhà văn. Tuy nhiên, nhà văn đã không dễ dàng “bắt nạt” người vợ trẻ ít lời của mình. Rốt cuộc là Marquez đã phải “chuộc” lại tập thư cũ với giá 100 bolivar (đơn vị tiền tệ của Colombia). Chỉ sau khi đã “tiền trao” thì Mercedez mới đồng ý đốt ngay tập thư trước mặt chồng...
Mercedes đã mang lại cho cuộc sống nhà văn tư duy tỉnh táo và tính hợp lý. Dần dà, theo đà lớn dần lên sự tự tin hay theo đà mở rộng sự tự tin ấy ra bên ngoài, Mercedes đã bắt đầu gây dựng lại trật tự trong sự hỗn độn nhân tạo của Marquez. Người vợ đã sắp xếp lại các bài viết và các trích đoạn báo chí của chồng, những trang bản thảo và đánh máy tiểu thuyết Ngôi nhà và truyện dài Đại tá chờ thư...
Ngày 24/8/1959, Mercedes sinh cậu con trai đầu lòng Rodrigo Garcia. Cũng thời gian đó, tòa soạn cử Marquez sang công tác với tư cách phóng viên đặc biệt ở châu Âu. Và Mercedes đã lại thêm một lần nhẫn nại chờ chồng. Rồi nhà văn được mời làm phóng viên tại phân xã New York cho hãng tin Cuba Prensa Latina. Nghĩ rằng đó là một công việc mang tính lâu dài, Marquez đã mang vợ và con trai sang New York. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đã bùng nổ xung đột Cuba với Mỹ. Phân xã New York của Prensa Latina thường xuyên nhận được những cú điện thoại đe dọa, trong đó có cả những chuyện cá nhân. Thế là Marquez với vợ con gần như là phải bỏ của chạy lấy người ra khỏi nước Mỹ. Không có đủ tiền để mua vé máy bay, gia đình nhà văn đã phải đi theo những chuyến xe khách, đêm ngủ trọ tại những khách sạn hạng bét. Một lần, Mercedes đã từ chối vào trong căn phòng khách sạn đầy gián và bế con ra ngủ ngoài trời. Một lần khác, một tên lính Mỹ đã đề nghị Marquez “bán” Mercedes cho y và hai đồng ngũ của y trong vài giờ để mua vui, đổi lại sẽ có đồ ăn đủ no... Tới lúc lần sang được qua biên giới với Mexico, Mercedes đã đổ bệnh. Marquez nhớ lại: “Khi đó trong túi chỉ còn 20 USD cuối cùng, trong khi viễn cảnh thì mờ mịt...”. Thế nhưng, dù vận hạn thế nào thì Mercedes cũng không hề buông ra một lời trách móc chồng...
Năm 1962 tại Mexico, Mercedes sinh người con thứ hai, lại con trai, Gonsalo Garcia. Marquez đã rất muốn có một cô con gái, để giống như Mercedes. Tuy nhiên, họ đã không thể có thêm một người con nào nữa... Mercedes đã hỗ trợ rất nhiều cho chồng khi ông bắt tay vào viết Trăm năm cô đơn khi nhận về mình mọi lo toan sinh hoạt để chồng yên tâm viết... Khi tác phẩm hoàn thành, gia đình thiếu đúng 160 peso để có thể gửi bản thảo tới nhà xuất bản. Ngân sách gia đình chỉ còn đúng 80 peso. Thế là Mercedes phải bán đi cả máy sấy tóc của mình và thốt lên: “Nếu cuốn sách này mà là tồi thì đúng là họa vô đơn chí!”. Hóa ra đó không phải là một cuốn sách tồi mà là một tác phẩm vĩ đại! Không chỉ sống sát cánh cùng chồng trong nghèo khó mà Mercedes còn rất đàng hoàng chia sẻ cùng chồng những vinh quang thế giới. Sau khi Trăm năm cô đơn được trao giải Nobel Văn học, bà vẫn tiếp tục tận tụy cùng chồng trên mọi nẻo đường đời.
Marquez hiểu rất rõ công lao của vợ. Trong lời đầu sách khi xuất bản tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả, nhà văn ghi: “Tất nhiên lại dành tặng cho Mercedes. Những xóm thôn này đã có nữ chúa đăng quang của mình”...