Tiểu thuyết Me Tư Hồng của Nguyễn Ngọc Tiến dựa theo cuộc đời cô Tư Hồng, có sự hư cấu mang “hình dáng tiểu thuyết chân dung”. Người nổi danh khắp Bắc kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 vì trúng thầu phá tường thành Hà Nội năm 1894 và nhiều câu chuyện đình đám khác: mở công ty buôn bán đầu tiên của người Việt, làm từ thiện, lấy chồng Tàu, chồng Tây. Xinh đẹp, khêu gợi, thông minh đến độ tinh quái và làm đàn ông say mê, cuộc đời cô Tư Hồng vẫn còn đầy bí ẩn như một huyền thoại đất Hà thành.
Cùng với nhân vật cô Tư Hồng, rất nhiều nhân vật khác trong tiểu thuyết là những người có thật. Bên cạnh đó, hoàn cảnh lịch sử trong tiểu thuyết, địa danh, thời gian xảy ra sự kiện… cũng đã được ghi trong chính sử và dã sử, vì vậy có thể gọi Me Tư Hồng là tiểu thuyết tư liệu. Đây là một cố gắng nhìn lại con người và xã hội cách chúng ta đã hơn một thế kỷ.
Bìa tiểu thuyết tư liệu Me Tư Hồng
|
Qua tiểu thuyết Me Tư Hồng, người đọc sẽ có cơ hội nhận diện được một xã hội VN vào thời điểm đã suy vong các giá trị cũ, và cả nỗi bi kịch của con người trong sự va chạm giữa đạo đức truyền thống và văn minh vật chất tân thời, một bi kịch vẫn đậm tính thời sự.
Cuốn sách có in bức ảnh chụp cô Tư Hồng lần đầu tiên được công bố - do nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc cung cấp từ lưu trữ của Bảo tàng Albert Kahn (Paris, Pháp), ghi rõ: "Cô Tư Hồng trước ngôi nhà ở phố Hội Vũ, Hà Nội". Bộ ảnh màu được in vào khoảng 1915 - 1918, như vậy có thể được chụp trước đó.
Cuối năm 2012, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến thành công với hai giải thưởng lớn (giải Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội, giải khuyến khích của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật VN ở hạng mục Văn học) cho hai cuốn sách Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội và triển lãm cá nhân đầu tay mang tên Tôi kể chuyện này về vũ khí chiến tranh làm thành đồ sinh hoạt.
Sách được giới thiệu ở Hội sách mùa thu diễn ra từ ngày 8 - 12.10 (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Trần Đại Việt