Quen biết nhà văn Nguyễn Trí Huân đã lâu, tôi cảm nhận ở ngoài đời hay trong trang viết của ông đều sâu đậm một tinh thần nhân văn. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn về những ký ức, tác phẩm và cuộc đời.
- Thưa nhà văn Nguyễn Trí Huân, là một nhà văn từng mặc áo lính chuyên viết về đề tài chiến tranh được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1988), Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng (1989), Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007), xin ông cho bạn đọc hôm nay biết đôi điều về những gì đã thôi thúc ông cầm bút?
- Tôi là người lính, cũng như nhiều gia đình Việt Nam khác, gia đình tôi đã bị cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ làm cho ly tán. Cho đến nay, đã 40 năm trôi qua, cái chết của anh tôi đối với mẹ tôi, chị tôi vẫn khủng khiếp như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Niềm hạnh phúc thường có những khuôn mặt giống nhau, nhưng nỗi đau thì hoàn toàn khác…
Đề tài tôi tâm đắc nhất là đề tài chiến tranh. Tuy vậy, tôi cảm thấy mình chưa viết được gì khi mà nỗi đau của người thân vẫn còn nằm ngoài những trang sách tôi đã viết…
|
Nhà văn Nguyễn Trí Huân đọc tham luận tại Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ III (tháng 3-2015). Ảnh: TUẤN LINH |
- Chiến tranh luôn đi cùng với nỗi đau. Có lẽ không chỉ mình ông mà có nhiều nhà văn chúng ta vừa cầm súng, vừa cầm bút để chiến đấu và để viết nhằm mục đích ngăn chặn chiến tranh, cũng là để làm vơi bớt đi nỗi đau của con người. Thưa nhà văn, “Chim én bay” là một tiểu thuyết như vậy. Ông có thể cho bạn đọc biết vài nét về bối cảnh ra đời, ý đồ nghệ thuật khi viết tác phẩm này?
- Những ngày cuối năm 1969 là khoảng thời gian rất khó khăn cho phong trào cách mạng ở miền Nam. Sau Mậu Thân 1968, Sư đoàn Sao Vàng chủ lực bị đẩy lên vùng núi, dưới đồng bằng bọn ngụy quân, ngụy quyền được dịp khủng bố đàn áp dữ dội. Trong hoàn cảnh này, đội du kích “Chim én” được thành lập với nhiệm vụ diệt ác, trừ gian. Bối cảnh của tiểu thuyết là hai khoảng không gian, thời gian, các sự kiện quá khứ về chiến tranh theo dòng hồi tưởng đồng hiện với hiện tại thời hòa bình, là những ứng xử rất mực cao thượng, sâu đậm tình người của nhân vật Quy như giúp đỡ vợ, con giám Tuân, mặc dù trước đó, chính giám Tuân đã giết chết anh và cha chị, Tuân cũng là kẻ trực tiếp tra tấn chị với những đòn dã man nhất. Cao hơn hành động hóa giải hận thù, đó là hành động của tình yêu thương con người, của đạo lý người Việt yêu hòa bình…
- Như vậy là vượt lên trên các ý nghĩa tố cáo sự tàn bạo khủng khiếp của kẻ thù, lên án sự phản bội đê hèn gây ra những hậu quả khủng khiếp… tiểu thuyết đã vươn tới ý nghĩa nhân văn mang một tầm phổ quát rộng rãi: Phải trừng phạt cái ác để cứu con người, nhưng cao hơn là làm sao để con người “sống để yêu thương” biết quên đi những thù hận… Thưa nhà văn, đấy là câu chuyện trong tác phẩm, còn ngoài đời, là người có tới 14 năm từng giữ cương vị Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội-một tạp chí lớn, có uy tín về văn chương nước nhà, ông được dư luận đánh giá cao trong cách ứng xử thấu lý đạt tình, xin ông nói vài nét quan niệm của mình về quan hệ giữa một lãnh đạo và một tập thể những nhà văn, nhà thơ?
- Tạp chí Văn nghệ Quân đội là nơi tập hợp của những tài năng văn học, mà ứng xử với tài năng thì trước hết là tôn trọng. Hơn nữa chuyện văn chương là chuyện sáng tạo, mà để sáng tạo được thì người viết phải có cá tính. Cho nên tôi quan niệm lãnh đạo văn nghệ là phải biết chấp nhận cá tính, tôn trọng cá tính. Với riêng tôi thì nghề văn là một nghề khó. Nhưng biết mình ở chỗ nào, đến đâu đôi khi còn khó hơn…
- Như vậy thì người thủ trưởng, chắc ở đâu cũng thế, ở lĩnh vực văn nghệ càng thế, là phải lãnh đạo bằng cả cái tài và cái tình. Và xét đến cùng để sáng tạo ra tác phẩm cũng cần cả những điều ấy, dĩ nhiên vốn sống là rất quan trọng. Xin ông cho biết ấn tượng sâu sắc nhất của mình về cái thời vừa cầm súng vừa cầm bút ngay trên chiến hào đánh giặc?
- Tiểu thuyết “Năm 1975 họ đã sống như thế” là kết quả của những năm tháng tôi chiến đấu và viết ở chiến trường miền Trung cực kỳ ác liệt, rồi tôi được tham gia Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử . Sách in năm 1979 nhưng tôi cố gắng tái hiện không khí bi tráng của thời đánh giặc. Trên chiến trường còn đang vương khói bom đạn, tôi ấn tượng sâu sắc về hình ảnh những mẹ, những chị… đi tìm người thân trong số những lính ngụy đã chết. Tôi đã đưa chi tiết này vào tiểu thuyết qua hình ảnh nhân vật Phác, một chỉ huy tiểu đoàn pháo bên ta, sau mỗi trận đánh lại lặng lẽ đi nhận mặt từng xác lính ngụy và anh cảm thấy nhẹ lòng khi không gặp em mình trong số đó…
- Văn chương đích thực đều nhằm mục đích nhân đạo hóa con người, dù có viết về cái chết cũng là để tôn vinh sự sống, tôn vinh giá trị con người. Thưa nhà văn, hiện ông đang đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và tác phẩm, nghĩa là ông nắm rõ tình hình văn học nước nhà, theo ông, trong thời buổi hội nhập văn hóa toàn cầu hôm nay, lĩnh vực nào mà nhà văn nên đi sâu sáng tác?
- Mẫu số chung của văn học nhân loại là bênh vực, thương yêu, kính trọng con người, vì con người. Tác phẩm văn học là một cầu nối văn hóa giữa con người với con người, thời đại này với thời đại khác, nền văn hóa này với nền văn hóa kia, do vậy nhà văn phải thật sự vì con người, có thể nói về những cái xấu, cái thấp hèn nhưng với mục đích để con người tốt hơn, nhân văn hơn thì tác phẩm ấy mới có thể hòa vào cái mẫu số chung kia của thế giới. Ở bất kỳ nền văn hóa nào người ta cũng đều coi trọng bản sắc riêng, vì nếu không sẽ bị hòa lẫn. Cái bản sắc riêng vừa chứa đựng tinh hoa văn hóa dân tộc vừa mang tính toàn nhân loại mới là vị sứ giả thuyết phục nhất để đối thoại văn hóa. Đã là nhà văn chắc ai cũng có khát vọng viết ra một tác phẩm sâu sắc tinh thần nhân văn và đậm đà nét riêng dân tộc mình.
- Xin chân thành cảm ơn ông. Chúc nhà văn trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước sẽ có một tác phẩm mới và hay viết về đề tài chiến tranh!
NGUYỄN THANH TÚ (thực hiện)