Của ai?

09:47:00 02/04/2015
(TBKTSG) - Có những câu chuyện tưởng đâu chỉ đọc thấy trong các cuốn tiểu thuyết cổ điển miêu tả thời kỳ phát triển hoang dã trong buổi đầu của chủ nghĩa tư bản nay lại thấy rải rác xuất hiện. Mô típ chung là sự bắt tay giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp để tạo ra những lợi thế độc quyền, để ban phát những đặc quyền khó lòng tưởng tượng trong một xã hội bình thường.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Một bãi tắm có thể trở thành của riêng một doanh nghiệp nào đó, rào chắn lại chỉ cho khách của họ sử dụng, dân địa phương chỉ được đứng ngoài nhìn vào. Ảnh: TLTBKTSG

Đó có thể là một bãi biển bỗng nhiên biến thành của riêng của một doanh nghiệp nào đó, rào chắn lại chỉ cho khách của họ sử dụng, dân địa phương chỉ được đứng ngoài nhìn vào. Thậm chí cả những đặc quyền nhỏ xíu như nhân dịp lễ lạt, chặn đường, làm bãi giữ xe, thu phí cao. Đó có thể là sự ngang nhiên khai thác tài nguyên chung như sông ngòi, lợi thế địa lý thành của riêng.

Việc chính quyền địa phương hay nói đúng hơn, một số quan chức địa phương bắt tay với doanh nghiệp để hai bên cùng hưởng lợi, bất kể lợi ích chung của cộng đồng thì trước sau gì cũng diễn ra và thực tế nước nào cũng từng chứng kiến. Vấn đề là làm sao ngăn chặn hay phòng ngừa?

Đầu tiên là sự minh định rõ ràng giữa sở hữu chung và sở hữu riêng, không để sự mơ hồ của khái niệm sở hữu toàn dân biến thành khe hở bị lợi dụng. Đó cũng là chủ đề của số báo tuần này và đây là biện pháp lâu dài, mang tính nguyên tắc.

Thiết thực hơn, đó là xem xét lại quan niệm và phương thức phân cấp cho địa phương vì quy trình này đang có nhiều khe hở. Trước mắt có thể bổ sung các quy định minh bạch thông tin để người dân có cơ hội giám sát quan chức. Các dự án bị dư luận lên án và sau đó phải dừng lại đều có một điểm chung: thiếu minh bạch ngay từ đầu nên chỉ khi sự việc vỡ lở mọi người mới có thông tin để phản ứng.

Thế nhưng vấn đề cơ bản là buộc quan chức phải có trách nhiệm giải trình trước người dân và muốn thế người dân phải có quyền quyết định số phận chính trị của quan chức mà về lý thuyết do chính họ bầu ra. Cái cơ chế như hiện nay khi lá phiếu của cử tri không trực tiếp bầu ra người lãnh đạo địa phương và mặt khác, người đứng đầu bộ máy hành chính cũng không thể cách chức ngay một ông chủ tịch tỉnh thì làm sao trông mong quan chức ý thức được trách nhiệm giải trình. Giả dụ trường hợp xấu nhất đã xảy ra là quan chức mua ghế ngồi thì khi đó họ chỉ ý thức một trách nhiệm: làm sao để nhanh chóng thu lại món tiền bỏ ra để chạy chức, chạy quyền.

Cứ nghĩ mà xem, một chủ tịch xã nếu do người dân bầu trực tiếp làm sao dám lấy gà hay dê được Nhà nước cấp cho dân nghèo về chia cho chính mình và thuộc cấp? Một chủ tịch tỉnh do dân bầu lên ắt phải chú ý đến quyền lợi của người dân trước khi cấp phép cho doanh nghiệp nào đó lấp sông làm dự án kinh doanh!

Ở trên là nhìn từ góc độ quan chức; còn nhìn từ góc độ kinh doanh, cách tạo lợi thế bằng mối quan hệ với quan chức không phải là con đường phát triển bền vững của doanh nghiệp. “Quan nhất thời, dân vạn đại” - đây phải là nguyên tắc ứng xử mà các doanh nghiệp với tầm nhìn xa phải hướng đến. Cho dù người dân chưa thể cách chức ngay quan chức làm bậy, họ vẫn có thể “bỏ phiếu bằng chân” đối với doanh nghiệp làm sai. Một khi người dân đã quay lưng thì doanh nghiệp khó lòng tồn tại lâu dài được. Lúc đó mọi ưu thế mà đồng tiền có thể mua được không bù đắp nổi sự tẩy chay của cộng đồng.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1