Nhật ký chiến tranh - hiện tượng độc đáo trong văn học Việt Nam hiện đại

02:29:00 01/04/2015
1. Bước vào thế kỷ mới, trong đời sống văn học và xã hội rộ lên phong trào in các loại nhật ký, hồi ký, trong đó đáng chú ý nhất là nhật ký chiến tranh. Sự xuất hiện của thể loại này đã mở ra cho người đọc thêm một góc nhìn mới về cuộc chiến tranh đã qua.


Sau hơn một phần ba thế kỷ lưu lạc, cuốn nhật ký của cô gái bác sĩ Hà Nội đã được in ở trong nước, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới với tiêu đề Nhật ký Đặng Thùy Trâm, đã trở thành một cuốn sách best seller (bán chạy nhất). Cùng với Nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc đã trở thành một sự kiện trong đời sống xã hội. Hai cuốn nhật ký nói trên ra đời đã gây nên một hiệu ứng xã hội rộng lớn. Cùng thời gian này, chúng ta đã được đọc rất nhiều cuốn nhật ký khác như Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân, Sống để yêu thương và dâng hiến của Hoàng Kim Giao, Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, Nhật ký - Tác phẩm của Dương Thị Xuân Quý, B trọc của Phạm Việt Long, Nhật ký của Lê Anh Xuân, Những lá thư thời chiến Việt Nam, Nhật ký Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi (1953-1955),... Những cuốn nhật ký này, đặt bên cạnh sáng tác của họ càng cho chúng ta hiểu hơn cuộc sống, con người của một thời "Tất cả cho tiền tuyến", "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Nó vốn được viết ra dưới chiến hào, trên đường hành quân, khoảng thời gian đợi chờ giữa hai trận đánh. Nó cho người đọc hình dung ra người viết và cả một thế hệ, một thời kỳ lịch sử...

2. Nhật ký viết trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ phần lớn là của những người trí thức sinh ra và lớn lên trong chế độ dân chủ cộng hòa. Họ không chỉ được trang bị tri thức ở học đường, nhận thức về trách nhiệm của công dân mà họ còn sẵn sàng hy sinh khi cần thiết. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, Chu Cẩm Phong là một phóng viên chiến trường. Đó là thời kỳ anh vừa viết văn, vừa làm báo. Dương Thị Xuân Quý là nhà văn - nhà báo. Đặng Thùy Trâm là bác sĩ. Nguyễn Văn Thạc nguyên là một học sinh giỏi văn, là một sinh viên xuất sắc của khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hoàng Thượng Lân, nguyên là sinh viên của Đại học Mỹ thuật Hà Nội, chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ và từ nhỏ đã đoạt giải cuộc thi vẽ tranh quốc tế tại Ấn Độ và Ba Lan. Hoàng Kim Giao là một kỹ sư trẻ tài năng trong Quân đội (sau này, công trình khoa học anh tham gia được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và bản thân anh cũng được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Lê Anh Xuân vừa tốt nghiệp đại học, được giữ lại trường chuẩn bị gửi đi đào tạo nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng anh đã xin trở về quê hương tham gia chiến đấu. Bản lý lịch trích ngang này giúp nói rõ hơn nhận thức của một lớp trí thức trẻ về ý nghĩa cuộc sống, về trách nhiệm công dân đối với vận mệnh của Tổ quốc. Những con người tài hoa ấy đã ngã xuống trên chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ. Những trang nhật ký của họ chỉ nhằm ghi lại cuộc sống đời thường cùng những ý nghĩ, tình cảm riêng tư của mỗi người nhưng ngẫu nhiên mà nó đã trở thành những chứng nhân của lịch sử đất nước và tâm hồn, lý giải một cách thuyết phục thắng lợi của cuộc chiến tranh. Có thể nói, trong số những cuốn nhật ký được in ra, nhật ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân đã hội tụ đầy đủ những niềm vui, nỗi buồn, những suy nghĩ về cuộc sống, về lý tưởng, về gia đình... của một trí thức trực tiếp sống, chiến đấu và hy sinh ở chiến trường, trước khi anh ngã xuống trên dòng sông Thạch Hãn. Và rất nhiều cuốn nhật ký khác nữa, mà đằng sau bóng dáng của những câu chuyện đời thường trong chiến tranh là những tâm hồn khát khao sống, yêu, thích lao động, là sự bất tử của một dân tộc chấp nhận mọi hy sinh chứ không chịu sống quỳ.

3. Cuộc chiến tranh đã đi qua ngót bốn mươi năm. Nhiều bức màn bí mật đã được vén lên cho thấy chiều kích cuộc chiến đấu một thời cụ thể hơn. Không chỉ có anh hùng. Còn biết bao đau thương mất mát mà một từ "hy sinh" thôi không đủ để diễn tả hết tất cả những gì cụ thể mà dân tộc ta đã chịu đựng. Nhật ký chiến tranh của những người tham chiến, nhất là của các liệt sĩ - những văn nghệ sĩ, trí thức là một hiện tượng độc đáo trong đời sống xã hội nói chung và trong đời sống văn học hiện đại nói riêng. Đây là mảng tư liệu rất quan trọng cho thấy rõ hơn sự dấn thân của một thế hệ - những trí thức vốn được đào tạo để xây dựng tương lai cho đất nước nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, họ đã đứng lên cầm súng. Mới đây, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo Trần Mai Hạnh - Giải thưởng Hội Nhà văn 2014 - là một cuốn tiểu thuyết tư liệu đã dựng lại toàn bộ quá trình sụp đổ cùng chân dung hầu hết các tướng lĩnh cũng như các nhân vật cao cấp của chính quyền Sài Gòn. Trên cơ sở những tư liệu có thật mà tác giả có điều kiện thu thập và tiếp xúc, bằng trải nghiệm của người viết báo, viết văn lâu năm, lại có mặt cùng đại đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975, Trần Mai Hạnh đã dựng lại không gian chiến tranh cả nước nói chung và không gian Sài Gòn nói riêng trong quãng thời gian bốn tháng đầu năm 1975. Cuốn tiểu thuyết đã cho thấy được những tình cảm, suy nghĩ của những nhân vật cao cấp trong bộ máy chính quyền ngụy miền Nam trước đây về chiến tranh, về chiến lược chiến tranh và những sai lầm dẫn đến thất bại của họ thông qua những tư liệu có được.

Những trang nhật ký viết vội trên đường đã biến thành những trang sử, trang văn ngoài ý muốn. Đó là những chứng tích bất tử về lòng yêu nước của nhân dân. Từ những nguồn tư liệu quý giá đó, mà cách làm của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã cho thấy, tôi dám tin vào những cuốn tiểu thuyết chiến tranh có tầm cỡ trong tương lai.

TÔN PHƯƠNG LAN
(Viện Văn học)

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1