Hội chứng “Alice ở xứ sở thần tiên“

17:05:00 28/07/2015
Hội chứng "Alice ở xứ sở thần tiên" (AIWS) là một dạng rối loạn tâm thần khiến thị giác bệnh nhân nhận thức những hình ảnh quá lớn hay quá nhỏ kèm theo triệu chứng đau nửa đầu (hay còn gọi là đau tiền đình).
Abigail Moss.

Tuy nhiên, một trường hợp bệnh nhân mới đây cho thấy sự xuất hiện của AIWS có phần phức tạp hơn nhiều. Hội chứng này được bác sĩ tâm thần John Todd, người Anh đặt tên theo cuốn tiểu thuyết phiêu lưu dành cho trẻ em (xuất bản năm 1865) của nhà văn Lewis Carroll.

Bệnh nhân trong nghiên cứu - một thanh niên 26 tuổi - tìm đến các bác sĩ tâm thần với tiền sử sử dụng rượu, cần sa và LSD (lysergic acid diethylamide, một loại chất gây ảo giác). Với sự kích thích của LSD, bệnh nhân thường nhìn thấy những đồ vật với kích thước kỳ dị - cụ thể là, mọi thứ bỗng nhiên quá to, quá nhỏ, quá xa hay quá gần so với thực tế.

Sheena Aurora.
Điều đó cho thấy bệnh nhân đã trải qua một số triệu chứng tương tự như cô bé trong cuốn tiểu thuyết "Alice ở xứ sở thần tiên" của nhà văn Lewis Carroll. Nhưng có một điều khác lạ trong trường hợp này là, bệnh nhân không còn sử dụng LSD khi gặp phải những triệu chứng giống ảo giác như thế. Nói cách khác, sau khi "tuyệt giao" với mọi loại ma túy mà các triệu chứng của AIWS vẫn cứ tiếp tục diễn ra!

Hai bác sĩ Arturo Lerner (ở Trung tâm Y khoa tâm thần Lev Hasharon Đại học Tel Aviv của Israel) và Shaul Lev-Ran (ở Trung tâm Y khoa Sheba, Israel) viết trên Tạp chí Journal of Psychiatry của Israel: "Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đây là báo cáo đầu tiên về trường hợp AIWS vẫn tồn tại dai dẳng sau khi chấm dứt sử dụng LSD". Các bác sĩ không hiểu tại sao AIWS vẫn cứ tồn tại và bệnh nhân từ chối bất cứ sự điều trị nào bằng thuốc tâm thần.

Sau khoảng một năm, hiện tượng nhìn thấy những hình ảnh méo mó biến mất. Sheena Aurora - nhà thần kinh học và chuyên gia về đau tiền đình Đại học Stanford (Mỹ) - cho rằng có lẽ AIWS không phải bao giờ cũng liên quan đến ma túy mà đôi khi là một phần của chứng đau tiền đình có triệu chứng aura (triệu chứng thần kinh xảy ra trước khi đau đầu). Đây là hiện tượng hiếm gặp bởi vì các aura chỉ xảy đến cho khoảng 20% số bệnh nhân bị đau tiền đình.

Tiểu thuyết "Những cuộc phiêu lưu của Alice trong xứ sở thần tiên" của Lewis Carroll.
Theo Aurora, AIWS sinh ra do sự quá nhạy cảm của não bộ. Hiện tượng quá nhạy cảm bắt đầu xuất hiện tại vùng thùy chẩm (occipital lobe), tức vùng thị giác nằm ở phía sau não bộ. Tuy nhiên, nó có thể lan đến thùy đỉnh (parietal lobe) nằm ngay phía trước thùy chẩm. Aurora giải thích: "Vùng thùy đỉnh có chức năng phân biệt các kích thước và hình dạng". Arturo Lerner và các đồng nghiệp của ông cho rằng LSD có thể gây tác động xấu tạm thời đến nhân thể gối ngoài (lateral geniculate nucleus), vùng não liên quan đến nhận thức thị giác. Sự suy yếu tạm thời của vùng não này gây ra các triệu chứng: nhìn thấy mọi vật quá to lớn (macropsia), hay quá nhỏ (micropsia), quá gần (pelopsia) hay quá xa (teleopsia).

Abigail Moss, biên tập trang web Planetlvy.com, cho biết, chị bị những triệu chứng AIWS ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào và tình trạng này kéo dài khoảng 20 phút. Moss, có cha cũng bị những ảo giác, mô tả: "Bạn sẽ cảm thấy căn phòng như co rút lại và cơ thể phồng to lên. Hai tay và hai chân dường như dài ra. Mọi thứ trông xa hơn hoặc gần hơn. Các chuyển động cũng nhanh hơn. Tôi cảm thấy chính xác những gì mà cô bé Alice đã trải qua trong cuốn sách".

Moss được chẩn đoán mắc phải AIWS vào năm 2012. Sau khi khám phá chứng rối loạn, Moss bắt đầu bàn luận về những trải nghiệm của mình trên Internet và nhanh chóng nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ các bệnh nhân AIWS trên khắp thế giới. Kể từ đó, tình trạng của Moss dần được cải thiện và hiện các triệu chứng trên chỉ xuất hiện khoảng 5 lần trong năm và thường chỉ xảy ra lúc chuẩn bị đi ngủ. Moss giãi bày: "Ngày càng có thêm nhiều nghiên cứu về AIWS cho nên tôi không nghĩ rằng hội chứng này hiếm gặp như các chuyên gia tâm lý học thường tin như thế. Tôi trò chuyện với những bệnh nhân trên thế giới và trong một số trường hợp hội chứng thật sự làm đảo lộn cuộc sống của họ".

Một người phát ngôn cho Tổ chức AIWS Info cho biết: "Hiện thời vẫn chưa có phương pháp hiệu quả điều trị AIWS. Và hội chứng đôi khi trở nên không thể chịu đựng nổi cho bệnh nhân". Không có tài liệu nào ghi chép nhà văn Lewis Carroll có sử dụng thuốc tâm thần. Tuy nhiên, Carroll có ghi trong nhật ký về tình trạng đau của mình và từ đó dẫn đến mối nghi ngờ rằng chứng đau đầu này là khởi điểm ra đời của tiểu thuyết "Alice ở xứ sở thần tiên". Nhưng theo nghiên cứu của Aurora, AIWS có xu hướng biến mất khi bệnh nhân già đi cũng giống như nhân vật Alice trong tiểu thuyết của Carroll.
Sheena Aurora.
Tiểu thuyết "Những cuộc phiêu lưu của Alice trong xứ sở thần tiên" của Lewis Carroll.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1