Bùi Giáng dịch truyện chưởng cho hiệp khách vừa đánh nhau vừa ngâm thơ
Ngày tôi làm ở nhật báo Sống của ông Chu Tử, Bùi Giáng đã dịch “Kim kiếm điêu linh” của Ngọa Long Sinh đăng từng kỳ mỗi ngày theo dạng feuilleton. Bùi Giáng dịch truyện kiếm hiệp Tàu mà không biết ông dịch thật hay phịa ra vì nhân vật võ hiệp của ông thỉnh thoảng… làm thơ, ngâm thơ, nhất là nữ hiệp sĩ, nữ kiếm khách thì đều xinh đẹp và rất thơ mộng từ chuyện tán tỉnh, yêu đượng đến… đánh nhau. Nhưng công nhận là Bùi Giáng dịch rất hay, không giống những dịch thuật gia truyện chưởng khác thời bấy giờ.
Ông Chu Tử là giáo sư, nhà văn, nhà báo còn có bút danh Kha Trấn Ác thủ mục phiếm luận “Ao thả vịt” trên nhật báo Sống, đồng thời là chủ nhiệm, chủ bút nhật báo Sống. Một hôm ông Chu Tử đi chơi về tạt ngang qua tòa soạn vào buổi tối lấy tờ báo mới in xong đọc lướt qua, để sáng mai phát hành sớm, thấy tôi trực ở tòa soạn kiểm tra bản in thử và canh kiểm duyệt của Bộ thông tin lúc đó có đục bỏ gì không để kịp thời xử lý. Ông Chu Tử đọc phần dịch truyện kiếm hiệp của Bùi Giáng rồi tủm tỉm cười hỏi tôi:
- Bùi Giáng dịch truyện kiếm hiệp cậu có hiểu gì không?
- Nói thiệt với bác cháu không hiểu gì cả. Nhưng thấy hay, thơ mộng lắm.
Ông Chu Tử chỉ cười rồi nói:
- Có khi chính do Bùi Giáng dịch chẳng ai hiểu mà bán được báo đấy.
Tôi cũng cười, phụ họa:
- Có thể bác nói đúng, dịch truyện kiếm hiệp cho nhân vật đánh nhau chí chóe, giữa rừng gươm biển giáo mà… ngâm thơ tán đào thì làm sao mà đánh?
Nhà thơ Bùi Giáng nổi tiếng với những giai thoại về tình yêu của ông đối với các mỹ nhân. Ông rất mực yêu… Thúy Kiều trong “Đoạn trường Tân thanh” của Nguyễn Du tới những minh tinh màn bạc nổi tiếng thế giới như Maryline Monroe, Brigite Bardot, rồi Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, ca sĩ Hà Thanh, hoa hậu Thu Trang tới Kim Cương.
Bùi Giáng thời trai trẻ
Nhưng với Kim Cương, Bùi Giáng dành cho bà thứ tình yêu miên viễn nhất, tuy là tình yêu đơn phương, mộng tưởng, nhưng Bùi Giáng không chỉ “tôn vinh” bà là “tiên nữ”, “Bồ Tát” theo cái nhìn thánh thiện của một thi sĩ mà còn đưa hình ảnh Kim Cương vào thơ văn, nhất là thơ, để ca ngợi bằng thứ ngôn ngữ lạ lùng nhưng tuyệt đẹp.
Cuộc cầu hôn lạ lùng của Bùi Giáng với kỳ nữ Kim Cương
Sau khi được Nguyễn Thùy chuyển lời của Kim Cương mời Bùi Giáng tới nhà, Bùi Giáng tới ngay, ăn mặc rất chỉnh tề, tác phong mô phạm ra vẻ một giáo sư hẳn hòi. Bùi Giáng lấy xe đạp chở Kim Cương đi chơi, vài lần như thế ông quyết định mở lời cầu hôn nhưng Kim Cương chỉ xem ông như một người bạn, người anh và có lẽ Kim Cương cũng tò mò trước một Bùi Giáng nổi tiếng về văn, thơ, dịch thuật và hơi có chút… bất bình thường sau vài lần tiếp xúc.
Thấy đeo đuổi Kim Cương mãi không xong, một hôm Bùi Giáng tới nhà nói một cách nghiêm túc:
- Thôi tôi biết rồi, cô không chịu ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô. Nhưng cô hứa sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé? Nó còn trẻ, rất đẹp trai mà học cũng rất giỏi!
Kim Cương trả lời dè dặt:
- Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Kim không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau sẽ tính.
Mục đích của Kim Cương là tìm kế hoãn binh nên chỉ trả lời thế thôi. Nhưng không ngờ Bùi Giáng liền dẫn đứa cháu tới nhà Kim Cương giới thiệu, cũng rất nghiêm túc như khi ông mở lời cầu hôn với bà. Lúc đó Kim Cương chỉ còn biết kêu trời, vì đứa cháu của Bùi Giáng chỉ là một… cậu bé 8 tuổi.
Kể từ bữa đó Kim Cương biết ông “giáo sư” Đại học Văn Khoa vừa mới “ở Đức về” theo như lời Nguyễn Thùy giới thiệu là một người không được bình thường. Và cũng chính từ khi cầu hôn Kim Cương không được những cơn “điên điên” của Bùi Giáng như ngày càng nặng hơn.
Khi Bùi Giáng bước vào cuộc “thiền hành” bất tận với bộ đồ “cái bang”, đi đâu thì đi, thế nào Bùi Giáng cũng phải ghé qua nhà Kim Cương không sáng thì chiều, không trưa thì tối, không cách ngày thì đôi bữa, có khi một tuần. Những lần như thế ông kêu réo, đập cửa, la hét và theo sau là lũ trẻ con làm ồn ào cả xóm khiến Kim Cương phải tránh mặt. Lúc đó Kim Cương đã có đứa con trai 5 tuổi tên là Toro, mỗi lần thấy Bùi Giáng xuất hiện cháu Toro đã hỏi Kim Cương:
- Mẹ ơi, sao bác gì ấy giống cái xe hoa quá đi.
(còn tiếp)
Từ Kế Tường