Thiếu tướng Bùi Bá Định – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị Công an nhân dân
Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đã có mốt quan hệ gắn bó khăng khít, truyền thống từ nhiều năm. Qua thành công từ các hội trại trước, năm nay, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội trại sáng tác tiểu thuyết, ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.
Hội trại sáng tác lần này có nhiều hoạt động khác so với các hội trại trước ban tổ chức đã đưa các nhà văn tới các địa bàn, đơn vị đã và đang chiến đấu trên các mặt trận và các lĩnh vực qua đó để các nhà văn thu thập thêm tư liệu, đi sâu tìm hiểu đời sống, những khó khăn vất vả, sự hy sinh thầm lặng của lực lượng công an nhân dân. Các nhà văn bằng ngòi bút và kinh nghiệm của mình, bằng trí tuệ và sự tư duy xây dựng viết nên những tác phẩm phục vụ công tác tuyên truyền, để nhân dân hiểu sâu, đồng hành, giúp đỡ và đồng hành của lực lượng công an nhân dân.
Thiếu tướng Khổng Minh Dụ - Nguyên Cục trưởng Cục bảo vệ an ninh văn hóa, tư tưởng
Tôi có may mắn được tham dự tại nhiều trại viết sáng tác, đồng thời làm ban giám khảo cho nhiều trại. Có thể thấy, các tác phẩm tại trại sáng tác lần này được đánh giá cao về chất lượng, vừa phong phú về số lượng nhà văn trong và ngoài lực lượng công an nhân dân tham gia cùng tác phẩm đóng góp. Các tác phẩm có hình ảnh về an ninh tổ quốc, về bình yên cuộc sống, có liên quan đến số phận của con người trong lực lượng công an, quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá Phan Văn Thẩm (bút danh Văn Phan) , nguyên Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân
“Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống” là một đề tài rộng lớn. Thực tế, trong lực lượng công an có nhiều cán bộ chiến sĩ qua công việc thực tế đã sáng tác lên những tác phẩm văn học chứ không phải giải trí về tình báo phản gián, điển hình là nhà văn Lê Tri Kỷ - cánh chim đầu đàn của lực lượng công an.
An ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống rất cần các nhà văn bên ngoài cùng góp sức xây dựng, viết nên các tác phẩm góp tiếng nói. Qua các trại sáng tác, có thể thấy số lượng các nhà văn ngoài lực lượng tham gia ngày càng đông đảo, chiếm tới ¾. Và đã có nhiều nhà văn thành công khi viết về mảng đề tài này.
Nhà văn Văn Chinh – Thư ký tại Tạp chí Nhà văn và tác phẩm
Đề tài “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống” là một đề tài rất khó viết. Ví dụ, viết về các vụ án, ở trung ương tăng cường, điều cán bộ về địa phương điều tra bao giờ cán bộ ở địa phương “lép về hơn” dẫn đến mặc cảm, tự ái đây cũng là một cái khó. Tại sao phim Mỹ, truyện viết về cảnh sát, trinh sát của Mỹ thường hấp dẫn người xem hơn? Có lẽ, tôi mường tượng, tôi thấy các nhà làm phim chúng ta họ phải né tránh, họ phải làm có chừng mực.
Tại trại sáng tác lần này tôi mới bắt đầu viết về tiểu thuyết “Cảnh sát đặc nhiệm”. Trong tác phẩm, tôi viết bằng sự tưởng tượng về sự giỏi giang, can đảm, tài cán, mưu trí của công an được thể hiện dưới nhân vật Vân Que. Câu chuyện được tôi nhặt từ các mảnh ghép trong cuộc sống, chắp nối lại thành câu chuyện xoay quanh nhiều nhân vật. Các nhân vật trong tác phẩm hoạt động độc lập bằng mưu trí, họ phải né tránh nhau, phải đấu tranh.
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân – Nguyên phó trưởng ban thường trực sáng tác, quyền Tổng biên tập Tạp chí văn học nước ngoài – Hội Nhà văn Việt Nam
Tôi là một nhà văn đã có nhiều năm công tác tại Hội nhà văn Việt Nam, đồng thời cũng gắn bó với ngành công an gần 30 năm qua khi viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.
Bản thân là một nhà văn ngoài ngành tôi gặp khó khăn riêng. Chúng tôi không thể tiếp nhận được hiện thực chiến đấu của lực lượng công an như các nhà văn trong ngành, tiếp cận với các đề tài có những khó khăn nhất định. Nhưng tôi nghĩ, khi đã nắm được hiện thực của cuộc chiến đấu, chiến công của lực lượng công an nhân dân nhà văn sẽ phổ vào đó trí tưởng tượng, nâng hình tượng chiến sĩ công an nhân dân trở thành hình tượng văn học rộng lớn, phổ quát, sâu sắc.
Cái khó khăn cũng chính là thuận lợi, vì các nhà văn ngoài ngành tránh được cái áp lực của nhà văn trong ngành, họ đang viết về chính đề tài mà đang chiến đấu công tác. Chính vì thế mà sự hư cấu, bay bổng trong sáng tác của các nhà văn ngoài ngành cũng thuận lợi hơn.
Thu Thủy