Nguyễn Vĩnh Nguyên
Vùng tự trị trong tác phẩm mới nhất của Nguyễn Bình Phương là một không gian rộng lớn nhưng đầy hóc hiểm chướng khí của núi rừng Tây Bắc, Đông Bắc, nơi con người sống nhập nhoạng giữa tồn tại và hư vô của cảnh sắc, chao đảo giữa thiện và ác, giữa anh hùng và sát thủ, giữa phỉ và thợ săn, giữa hoang dã và văn minh...
Toàn cuốn tiểu thuyết chỉ là câu chuyện về chuyến xe viễn du của Hiếu, kẻ bị hấp dẫn với những câu chuyện mịt mùng về phỉ ở vùng biên giới phía Bắc. Lần theo câu chuyện về phỉ, anh ta đi theo hành trình trong nhật ký của anh trai mình (Thuận). Thuận từng tham gia cuộc chiến tháng 2 -1979 và khi trở về, cùng với sự đổ vỡ hôn nhân, đã trở thành kẻ có triệu chứng trầm uất, có thể nói, một dạng thức của “hội chứng hậu chiến”. Dĩ nhiên, mang sắc thái rất riêng của cuộc chiến này. Một cuộc chiến ngắn ngủi, song, ở giữa vùng biên ải hoang vắng, nơi con người bị nhấn chìm, hòa tan trong cái mịt mùng bí ẩn của cảnh vật, phong thổ, nơi mọi thứ khó phân định rạch ròi.
Bên dưới giọng văn đậm chất du ký, là sức nặng và dày của những biểu tượng được nhà văn xây dựng đầy linh hoạt và biết tiết chế. Cảnh sắc, trăng, mây, núi, gió, hoa... tạo ra chất thơ, nhưng cũng chính nó, tạo ra sự rình rập u ám khó lý giải trong tiết tấu câu chuyện. Chính nó đặt bên cạnh tính cách dữ dội và bất thường của những con người thô mộc, hung dữ, hận thù, thậm chí tàn ác. Có một biên giới của địa lý giữa hai quốc gia nhiều lần va chạm, đổ máu, nhưng lằn ranh đó thật mong manh, khó phân định như chính lằn ranh thuộc về nhân tính. Đó là những thợ săn chỉ ẩn vào bóng tối của núi rừng là thành phỉ. Đó là người đàn bà man rợ có thể cắt đầu mười mấy tên giặc trong hang núi trong cuộc chiến tháng Hai. Đó cũng có thể là cảnh “ta” truy quét tàn quân phỉ Châu Quang Lồ trong hang núi bằng cách bịt kín các cửa hang và phun lửa vào. Hay từ câu chuyện bọn phỉ bắt người, ưa chặt chém ra nhiều khúc, tác giả khéo léo đẩy mạch truyện đi sâu vào lịch sử, liên hệ chuyện Lý Thướng Kiệt sau khi triệt hạ thành Ung Châu đã chặt đầu tất cả những kẻ có mặt trong thành... “Mình và họ” sao mà phân biệt được?
Có thể gặp trong cuốn sách này là những chuyện hoang đường có màu sắc kinh dị, một dạng chuyện đường rừng đầy hấp dẫn từ lâu vắng bóng trong văn học Việt Nam như, chuyện ăn gan người, chuyện bùa chú...
Nhưng có lẽ sau rất nhiều những chi tiết khiến bạn đọc bàng hoàng đó, tác giả khéo léo dệt ra một không khí của “chốn biên giới của không biên giới”, khi mà chính người lính bảo vệ biên giới của mình sau khi chiến đấu lại có thể đi lạc sang phía bên kia, khi phỉ cũng chính là những kẻ chấp nhận sống thoắt ẩn thoắt hiện giữa những lằn ranh vô hình, khi đạo đức hay sứ mệnh lý tưởng nào đó có thể bị đánh tan, trộn lẫn vào nhau trong chốc lát.
Thủ pháp đồng hiện không mới đối với những tác phẩm trước đây như: Trí nhớ suy tàn, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng... của cùng tác giả; nó lại càng không xa lạ với những ai đã đọc qua Linh sơn của Cao Hành Kiện hay Ma chiến hữu của Mạc Ngôn. Riêng không khí truyện lại gợi cái hoang vắng tàn bạo trong chùm truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng ở Nguyễn Bình Phương, cái thế giới tự trị của tiểu thuyết vẫn rõ nét. Đó không thuần túy là một cuốn sách lật lại chuyện chiến tranh biên giới được nhìn từ một phía như kiểu Mạc Ngôn trong Ma chiến hữu. Càng không phải là những dặm đường mịt mờ cố quận và đầy triết lý phương Đông tiệm cận hư vô trong văn Cao Hành Kiện... Nguyễn Bình Phương có cách xử lý riêng, để tất cả một rừng chi tiết, kể cả sự kiện lịch sử, câu chuyện thời sự... trở thành những gia vị cho câu chuyện biên giới địa lý từ đó dẫn dắt người đọc suy tư về những miền biên giới khó gọi tên trong tâm hồn con người. Một cõi miền biên giới bất định mà con người sống là nhọc nhằn kiếm tìm, xác lập rồi luẩn quẩn đi lạc trong nó.
(*) Mình và họ, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, NXB Trẻ, 2014 |