Kỳ cuối: Nửa năm trên biển cùng thủy thủ viễn dương

06:22:00 18/10/2014
GS, TS Bùi Danh Lưu, Bộ trưởng GTVT hồi đó vừa trao chiếc đài cát sét màu đỏ một cửa băng (phần thưởng giải Nhất cuộc vận động viết về đề tài GTVT cho cuốn “Bụi đường”) vừa nói nhỏ với tôi: “Quà tặng quá bé so với giá trị cuốn sách chú viết cho Ngành. Tôi sẽ mời chú đi chuyến công tác trên tàu viễn dương với hy vọng chú viết được tiểu thuyết về lĩnh vực vận tải khắc nghiệt này”.

Cuộc đời của thủy thủ tàu viễn dương có cả vinh quang lẫn tàn khốc, ê chề

Mơ đổi đời với Vosco

Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỉ trước, kinh tế khó khăn, đời sống công nhân viên chức vất vả từ cái ăn, cái mặc, phương tiện đi lại, sinh hoạt... Giữa bối cảnh đó, một số ngành nghề, trong đó nổi bật nhất là nghề thủy thủ viễn dương (dân thường lấy tên Công ty Vận tải biển Việt Nam thời đó là Vosco để gọi - NV) nhìn bề ngoài có vẻ giàu sang, sung túc nhất.
Dân Vosco dạo đó có thể coi là mục tiêu chọn chồng lý tưởng của chị em phụ nữ, là ước mơ của hàng triệu thanh niên đang tìm hướng đi cho cuộc đời mình. Họ đi những đôi giầy hàng hiệu, mặc những chiếc áo phông in chữ nước ngoài. Mắt đeo kính Cơn. Ngón tay lồng nhẫn vàng chóe, cổ tay đeo đồng hồ ngoại lóng lánh, cưỡi trên những chiếc xe Honda, Suzuki cóng cựa. Miệng luôn phì phèo điếu thuốc lá ba số 5. Vợ, con họ đi học, đi phố, ra chợ bằng xe đạp mini Nhật. Trong nhà có đủ ti vi, bộ dàn nghe nhạc, tủ lạnh, máy giặt toàn của hãng ngoại nổi tiếng.

Hai ba năm sau, vào những năm đầu của thập niên 90, khi Nhà nước bắt đầu chính sách mở cửa, cũng là thời kì các địa phương trong cả nước đua nhau thành lập các đơn vị tàu vận tải viễn dương (gọi là các Ship địa phương- NV). Các đơn vị này được lập ra dưới danh nghĩa thành lập Ship cho tỉnh mình để chủ động trong việc xuất nhập khẩu phục vụ kinh tế.
Nhưng thực chất đây chính là những đơn vị để các vị lãnh đạo địa phương đưa con em mình, thậm chí cả mình sang một số nước chủ yếu là Nhật Bản hoặc chí ít là Hàn Quốc để nhặt, hay mua rẻ các hàng tiêu dùng đang khan hiếm ở trong nước như: Tivi, đài, máy quay đĩa, quay băng, xe máy, tủ lạnh, máy giặt… Vì vốn đầu tư ít cộng thêm việc không quen Luật Hàng hải quốc tế, đa phần các địa phương đều mua tàu cũ, tàu thải loại của các nước cho các Ship địa phương.

Thuyền trưởng Trần Xuân Nhơn, Cục trưởng Cục Đường biển dạo ấy từng nói: “Các địa phương không am hiểu chuyên môn, vì thế đa số lâm vào tình trạng mua tàu lấy được. Vơ bèo, vạt tép, mành che, chiếu rách gì cũng mua”. Đó chính là nguyên nhân vì sao dạo đó tàu viễn dương Việt Nam hay bị phạt, bị giữ tại cảng nước ngoài vì vi phạm Luật Hàng hải thế giới, Luật Môi trường, Luật Cảng biển…
Vinh quang và tàn khốc

Lời mời của Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đối với tôi về chuyến thực tế vận tải viễn dương phải hai năm sau ( năm 1992 - NV) mới thực hiện được. Hơn nửa năm hành trình lênh đênh trên biển đó, tôi mới hiểu đầy đủ đây là lĩnh vực “vận tải khắc nghiệt” đến thế nào. Hòa nhập với cuộc sống của người thủy thủ viễn dương, tôi nhận ra thực tế rằng, để có sự lóng lánh bên ngoài, sự đầy đủ về vật chất, người thủy thủ viễn dương phải trả một giá đắt, phải đối diện với biết bao hiểm nguy rình rập.

Chiếc tàu vận tải viễn dương đưa tôi đi chuyến thực tế dài ngày đó mang tên Điện Biên 01 của Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) có trọng tải khoảng một vạn tấn. Ở vào độ tuổi 25, 26, Điện Biên 01 có thể xếp vào loại tàu già trong vận tải viễn dương. Những lần cùng thủy thủ xuống dọn dẹp hầm hàng, anh em đã chỉ cho tôi xem những xương giang (thanh kim loại hình thành khung xương con tàu - NV) đã mọt, rỉ ra sao. Có chỗ sườn tàu vì thời gian, vì hà ăn, vì nước biển đã quá mòn và mỏng đến độ lấy tay bẻ cũng gẫy.

Trên hành trình của tàu, chúng tôi phải đợi ở cảng Hải Phòng hơn một ngày để chờ con nước phù hợp mới nhổ neo, sau đó vào cảng Bãi Nghiêng (Nha Trang) lấy gỗ sang Bangkok. Trả gỗ ở đây xong, chúng tôi chạy tàu không sang cảng Công Pông Xom lấy lương thực chở sang Nhật Bản. Trả hàng tại cảng Chi Ba xong đưa tàu không sang Pusan (Hàn Quốc) lấy hàng. Nếu có hàng chở về Việt Nam mà cặp cảng Hải Phòng, coi như khép kín một chuyến vận tải. Nhưng chuyến đi đó chỉ có hàng từ Pusan đi Kha Non (Thái Lan).

Hơn nửa năm hòa vào cuộc sống người thủy thủ viễn dương tôi nhận ra một điều, có lẽ ít nghề nào mà cái tốt và cái xấu của cuộc đời một con người lại gắn bó và tạo thành một khối chặt chẽ đến thế.
Cuốn tiểu thuyết “Biển toàn là nước” của tôi là kết quả của chuyến đi bão táp đó và được hoàn thành ngay tại câu lạc bộ thủy thủ, giữa khi con tàu Điện Biên 01 đang bền bỉ, cặm cụi, cô đơn trườn mình vượt qua sóng gió trên biển khơi. “Biển toàn là nước” đã ra đời trên sóng nước và từ cuộc sống huyền diệu của những chàng thủy thủ viễn dương ăn sóng nói gió là vậy.

Nhìn anh em thủy thủ lúc cẩu hàng lên, hạ hàng xuống, lúc làm vệ sinh cho tàu, cho hầm hàng, lúc chống chọi với bão tố, phong ba, với sóng lừng đưa hàng đến đích giữa sự gầm thét, nổi giận của đại dương, không lời nào có thể tả hết sự dũng cảm, thông minh, bền bỉ cùng tinh thần trách nhiệm của người thủy thủ chân chính.

Và cũng khó có nghề nào mà tạo cho con người sức chịu đựng bền bỉ trước sự cô đơn, đơn điệu của hành trình dằng dặc, chí ít là hàng chục ngày, đêm trên biển chỉ thấy trên là trời, dưới là nước. Cô đơn, đơn điệu đến độ thỉnh thoảng 32 anh em trên tàu Điện Biên 01 chúng tôi lại mượn niềm vui nhỏ nhất như: Hôm nay qua điện đài cho biết thằng cu thứ hai của máy trưởng được điểm 6 về toán cũng tập hợp nhau tại phòng câu lạc bộ thủy thủy để uống bia, rượu, rồi ôm nhau nhảy múa.

Nhưng cũng chính những người mang tố chất anh hùng, chịu đựng đó lại là những người có thể bền bỉ đi hàng vài chục cây số để ngó nghiêng, lùng sục các bãi rác, các kho chứa hàng hóa cũ trên đất Nhật, Hàn Quốc, rồi tìm đủ mọi mánh khóe để tranh giành nhau mua hoặc nhặt được món hàng hời. Rồi chính họ lại tìm những chỗ bí hiểm, khó tìm nhất trong con tàu để giấu những thứ hàng mua quá tiêu chuẩn, hạn định hải quan cho phép. Loại hàng mà dân thủy thủ viễn dương gọi là “hàng cáy”.

Cũng chính trong những con người ấy, không ít người là những tay chơi có hạng, cờ bạc sát phạt nhau, ăn chơi đàng điếm đủ kiểu tại các điểm ăn chơi nổi tiếng ở Thái Lan. Để rồi khi về đến đất liền lại trở thành người chồng đau khổ khi vợ ngoại tình; người bố dằn vặt khi con bỏ học, hư hỏng vì thiếu người kèm cặp, dạy dỗ.

Cuộc sống người thủy thủ viễn dương vất vả, chịu nhiều thiệt thòi như vậy nên ở các nước tiên tiến, nghề thủy thủ viễn dương được xem như nghĩa vụ quân sự. Còn ở ta vào những thập kỉ 70, 80, 90 của thế kỉ trước, người ta chạy chọt, tìm mọi cách để trở thành thủy thủ viễn dương. Còn vài năm trở lại đây, các công ty vận tải biển rất khó hoàn thành chỉ tiêu tuyển thủy thủ, nhất là thủy thủ viễn dương.

Bức tranh cuộc đời đa dạng, cả vinh quang và tàn khốc, ê chề và sung sướng, vui vẻ và buồn đau đó đã hiện ra trước mắt tôi với những hoàn cảnh, chi tiết sống động mà bất kì một tài năng, dù có sức tưởng tượng phóng khoáng nhất cũng không thể nghĩ ra nếu không sống thực sự trong môi trường, thực tế đó.

Gặp bão biển là việc bình thường của người thủy thủ viễn dương. Trong chuyến đi hơn nửa năm đó, tàu chúng tôi gặp hàng chục cơn bão, giông biển. Lần đưa tàu vào tránh bão ở eo biển Hồng Kông, hay gặp bão khi đang chờ cập cảng để trả hàng ở cảng Xi Ha Núc Vin, bão ở đốc (ụ chữa tàu) Ô Nô Mi Chi, nhất là trận bão sinh tử giữa Nội Hải trên lộ trình sang Pusan (Hàn Quốc)… là những kỷ niệm không thể nào quên trong suốt cuộc đời mình.
Nguyễn Hiếu

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1