Đạo diễn, nhà văn Lê Văn Duy: Người làm phim Tài liệu nhiều nhất Sài Gòn

03:00:00 09/09/2014

Thật khó kể chính xác ông đã từng là đạo diễn, viết kịch bản, góp ý, chỉ đạo… bao nhiêu phim tư liệu về Đất và Người Sài Gòn kể từ khi bước vào nghề cho đến nay. Chỉ biết ông từng là giám đốc Hãng phim tư liệu Nguyễn Đình Chiểu, Tổng thư ký Hội Điện ảnh TP.HCM. Chương trình ''Lê Văn Duy - 72 Mùa Xuân - Một Đời Phim & Văn”' tổ chức tại Ân Nam (Trương Định – Quận 3 – TPHCM) lúc 8g30 sáng 14.9 là một cách nhìn lại…

Đạo diễn, nhà văn Lê Văn Duy (thứ hai, phải sang) trong một lần làm phim về Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Nhà văn Lê văn Duy, sinh ngày 15.9.1942. Ông tham gia cách mạng năm 1942, nguyên sinh viên Sài Gòn. Sự nghiệp văn học nghệ thuật khá đồ sộ của ông tính đến nay đã có hàng ngàn bài báo, cả trăm bút ký, truyện ngắn, rất nhiều kịch bản phim tài liệu và phim truyện. Đặc biệt ông còn là Đạo diễn rất nhiều phim truyện, phim tài liệu. Ông đã dành cho báo Điện tử Một Thế Giới một cuộc trao đổi.
Đạo diễn Lê Văn Duy đang tác nghiệp tại căn cứ TW Cục miền Nam (Ảnh tư liệu nhà văn cung cấp)
Một nhà văn làm điện ảnh
* Thưa ông, được biết chương trình ''72 Mùa Xuân- Một Đời Phim & Văn '' được tổ chức do bạn bè và gia đình mừng sinh nhật ông. Ông có cảm nghĩ gì?

Đạo diễn, Nhà văn Lê Văn Duy: -Nhiều bạn bè tôi vừa lên lão - 60 tuổi - đã tổ chức như thế này. Năm tôi 70, thân hữu và gia đình đã có ý định tổ chức nhưng tôi thấy chưa cần thiết. Vào tuổi thất thập nhị, các bạn và gia đình lại nhất định tổ chức khi thấy tôi vẫn còn sung sức trong sáng tác. Âu đó cũng là lúc tôi nhìn lại và suy ngẫm về bước đường khá chông gai đã qua. Bởi lẽ tôi bắt đầu sự nghiệp văn học nghệ thuật từ thời chiến, đã tham dự các chiến dịch lớn trên khắp các mặt trận từ rừng núi Nam Tây nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long, các đô thị miền Nam và cả mặt trận Sài Gòn. Thời bình tôi đi khắp cả nước. Nói chung tôi hoạt động trên nhiều lãnh vực như một chiến sĩ xung kích đa năng. Vậy nên tôi xúc động và cảm ơn.

-Như vậy có thể thấy, đời làm phim tài liệu của ông thật phong phú. Trải dài và gắn bó với Sài Gòn từ thời chiến đến thời bình với những đề tài xưa và nay, truyền thống và hiện đại trải gần suốt 300 năm lịch sử. Đặc biệt ông còn thể hiện nhiều phim chân dung, tư liệu của khá nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi, các chính khách nổi tiếng như TBT Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, GSTS Trần Văn Khê, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... Tâm tình của ông về đất và người Sài Gòn?

-Trên giấy tờ tôi sinh ở Long An. Nhưng thật ra tôi sinh ở Thị Nghè. Tôi học cấp 3 rồi Đại học ở Sài Gòn. Hơn 40 năm thời bình tôi sống ở Sài Gòn. Vậy nên có thể gọi tôi là người Sài Gòn. Nhưng khác các tỉnh thành khác, Sài Gòn là vùng đất mới Việt Nam, từng là thuộc địa của nước Pháp, sớm giao lưu với văn hóa Phương Tây, cửa ngõ vùng biển đảo Đông Nam Á... Vậy nên mảnh đất này dung nạp dân cư đến từ mọi miền và quốc tế.
Bạn thử nghĩ xem, ở Sài Gòn có hội đồng hương khắp các tỉnh thành cả nước. Nhưng tôi đố bạn tìm ra hội đồng hương Sài Gòn? Vậy nên nghĩ về Sài Gòn, bao giờ tôi cũng nghĩ về Việt Nam quê hương tôi. Khái niêm địa phương chủ nghĩa, tinh thần cục bộ không thể tồn tại trên đất Sài Gòn. Nơi đây hội tụ con người tứ xứ.
Hồi nhớ lúc mới vào nghề, đạo diễn Mai Lộc có nhận xét tôi là một nhà văn làm điện ảnh. Tôi thấy ông nói không sai. Tôi yêu văn học từ nhỏ và ham mê đọc sách Đông Tây kim cổ từ lúc tôi học lớp sơ học (lớp 1,2,3 bây giờ ). Tôi thừa hưởng điều đó ở ông tôi và mẹ tôi rồi gen di truyền của cha tôi, ông Dương Văn Diêu. Tôi xuất thân là người làm phim tài liệu nhưng ngay từ đầu tôi đã chuẩn bị con đường đi xa hơn. Ngay từ thời chiến tôi đã thích thể hiện phim chân dung. Bởi lẽ người làm phim tài liệu nếu chỉ chăm chắm thể hiện sự kiện thì mọi việc rồi sẽ lụi tàn theo thời gian. Nhưng nếu đi sâu vào phim chân dung, ta có điều kiện thể hiện thân phận con người. Điều đó sẽ tồn tại lâu dài khi văn học là nhân học. Đồng thời cũng giúp tôi thể hiện nhân vật trong phim truyện, kịch bản phim và tiểu thuyết. Tôi thích đi đường dài.
Dù tuổi cao nhưng miền say mê công việc chưa bao giờ giảm sút trong ông.
Sẽ trình chiếu một phim chưa bao giờ công bố về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
-Thưa ông, làm phim chân dung khó. Vì chỉ “vừa vặn” trong khuôn khổ thời gian cho phép, một dung lượng ngắn mà nhà làm phim phải lột tả, nổi bật hay kể lại một câu chuyện có thật. Một giây phút cho cả đời người. Hay cái thoáng chốc vẽ thành chân dung của cả thời đại. Với ông, qua một hành trình dài 72 năm chắc rút ra được nhiều bài học quý giá cũng như nhiều kỷ niệm?

-Cái khó của người làm phim và viết văn là chọn nhân vật. Trong thời chiến tranh tôi ngại nhất là các nhân vật trong phim của mình đi ''chiêu hồi''. Thời bình thì các nhân vật đã lên phim bị sa sút phẩm chất hoặc trở thành kẻ tham nhũng, dân không ưa... Cái khó chính là do ta. Phải biết dựa vào đâu để chọn nhân vật của mình. Trước tiên đó là sự phán đoán cá nhân. Sau đó mới dựa vào làng xóm, cơ quan, đơn vị họ công tác. Đồng thời ta phải có cách thể hiện riêng của người sáng tác, tự chịu trách nhiệm. Những nhân vật đời thường thì như vậy! Còn văn nghệ sĩ và những người nổi tiếng khó hơn nhiều!...

-Xin ông cho bạn đọc báo Điện tử Một Thế Giới biết một vài ví dụ cụ thể?

-Tôi ví dụ như nhiều người dễ dàng ghi nhận GSTS Trần Văn Khê là nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng thế giới. Đánh giá công lao của ông như Đại sứ Âm nhạc dân tộc Việt. Tôi còn ghi nhận ông còn là nghệ sĩ bậc thầy về nghệ thuật diễn xuất, biểu diễn và là một nhà hoạt động cách mạng bí mật ở Paris. Nhờ vậy mà ông Trần Văn Khê đã đồng cảm, cung cấp cho tôi tất cả những hình ảnh ông lưu giữ ở Paris. Riêng về Trịnh Công Sơn thì ngày từ sau 1975, tôi đã thể hiện chân dung nhạc sĩ tài hoa này trong bộ phim tài liệu Sống với quê hương. Có thể nói tôi là người duy nhất có ba phim tài liệu về chân dung Trịnh Công Sơn trong 3 thời kỳ. Và một phim 9 phút về Trịnh Công Sơn mà tôi sẽ trình chiếu trong buổi sáng ngày 14.9.2014 sắp tới!...
Đạo diễn, Nhà văn Lê Văn Duy và nhà báo Đỗ Hương

-Thưa ông, có thể nói gì về bộ phim ngắn chỉ… dài 9 phút?

-Đó là tài năng của nhà làm phim. Ngắn dài không quan trọng. Vấn đề của đạo diễn, nhà làm phim là gì?

Tôi không chỉ làm phim về Trịnh Công Sơn mà chính Trịnh Công Sơn và Phạm Trọng Cầu còn là nhà soạn nhạc trong một số phim tôi. Vậy nên trong phim về đồng chí Võ Văn Kiệt tôi mời Trịnh Công Sơn viết nhạc phim. Trịnh Công Sơn đồng ý. Thế nhưng khi phim sắp xong (do thời gian làm phim kéo dài 7 năm ), thì Trịnh Công Sơn bị bệnh nên nhắn tin tôi nhờ người khác viết nhạc phim. Thế là tôi đề nghị Trịnh Công Sơn nhận lời cho tôi làm bộ phim về chính anh. Do thân tình nên nhạc sĩ đã nhận lời. Bộ phim nói người nhạc sĩ lớn chỉ thể hiện vỏn vẹn số phận một bài hát. Qua phim này tôi chỉ muốn chứng minh Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ lớn đa tài, giàu lòng yêu nước, yêu quê hương.
Sài Gòn là cửa ngõ văn hóa Đông Tây

-Thưa ông, không chỉ tài ba, nổi tiếng trong địa hạt làm phim tư liệu và chân dung, như tôi biết, ông cũng là nhà văn Nam bộ đầu tiên có một bộ trường thiên tiểu thuyết viết về Sài Gòn hôm qua và hôm nay. Bộ sách của ông đã bắt đầu xuất bản. Trường thiên tiểu thuyết này ông dự kiến sẽ viết và xuất bản bao nhiêu tập?

-Như anh nói, đến nay bộ trường thiên tiểu thuyết của tôi đã xuất bản 8 tập. Tôi cũng vừa viết xong bản thảo tập 9. Còn dự kiến trọn bộ là 15 tập. Chuyện đất và người Sài Gòn, sau bao nhiêu năm sống và gắn bó từ chiến tranh đến hoàn bình làm sao có thể viết hết, kể hết? Nên trong bộ sách, tôi chỉ viết về thế hệ đi trước mà tôi hiểu rõ, đến thế hệ chúng tôi và con cháu tôi. Tôi không phải là nhà Sử học. Vậy nên tôi có hư cấu những nhân vật, cũng như nhiều nhân vật trong tiểu thuyết tôi có nguyên mẫu từ sự thật. Mỗi một tập có cốt truyện riêng, nhân vật riêng. Thế nhưng tất cả họ trong bộ trường thiên tiểu thuyết này đều có liên quan, liên hệ nhau qua dòng chảy thời gian ba thế hệ. Năm nay tôi đã 72 tuổi. Chỉ mong tôi có sức khỏe để hoàn thành dự định này. Một nhà văn chuyên nghiệp có tuổi như tôi, tất cả đã sắp xếp sẵn trong đầu. Chỉ cần ngồi xuống là có thể viết, bất cứ giờ giấc nào, bất cứ đâu.

-Thật thú vị và đáng trông chờ bộ sách trường thiên tiểu thuyết Sài Gòn của ông sẽ sớm hoàn thành. Xin hỏi ông một câu, có thể khó mà dễ, dễ mà khó nhưng tôi nghĩ đã sâu chuỗi, bao quát hết trong các tác phẩm có tham vọng muốn viết về đất và người Nam bộ: Điểm mạnh hay điểm khác biệt của Văn hóa Sài Gòn là gì?

-Ông Trần Bạch Đằng tôi thân quen trong cộng tác làm phim, từng là đồng tác giả viết kịch bản mà tôi rất kính yêu, là một trong những nhà nghiên cứu lớn ở Sài Gòn, chủ biên bộ Địa Chí Văn hóa Sài Gòn. Nhiều tác giả khác đã luận bàn về chuyện này. Nếu cần nói ngắn, tôi chỉ có thể ghi nhận điểm mạnh Văn hóa Sài Gòn là tinh thần mở cõi và lấn biển đảo. Không chỉ mở cõi đất Phương Nam mà còn là cửa ngõ Văn hóa Đông Tây, nêu cao tinh thần mở cõi ra thế giới mang bản sắc dân tộc Việt đa văn hóa các dân tộc, sắc tộc, đa tôn giáo, đậm đà tiếng nói Việt, ngôn ngữ Việt. Văn hóa Sài Gòn có truyền thống mở cửa ra thế giới một cách chọn lọc nhưng không thủ cựu.
Phác thảo chân dung nhà văn Lê Văn Duy - Ký họa

-Ông là một người nổi tiếng lịch thiệp, giao tiếp rộng. Đặc biệt ông rất được các thế hệ đàn em trẻ làm nghệ thuật văn chương, sân khấu, điện ảnh… .yêu thương, kính trọng. Ông có thể cho biết suy nghĩ của mình về các bạn trẻ làm nghệ thuật hôm nay? Liệu có khoảng cách với các thế hệ trước về tài năng, phong cách, nghiêng về thị trường và thực dụng hơn?

-Cá nhân như tôi là đã định hình về phong cách từ lâu rồi. Cỡ tuổi tôi thì khó có thể thay đổi, đổi mới! Thế nhưng đôi khi khán giả, độc giả thích tôi vì cái phong cách đã định hình ấy. Giả dụ bảo các ca sĩ thay đổi giọng điệu, tiếng hát ư? (Cười). Thởi trẻ tôi luôn có những người bạn vong niên - để tôi học hỏi họ. Thời này tôi cũng có những cô cậu bạn vong niên - để tôi có thể tiếp tục tồn tại trên con đường sáng tác dài lâu. Tôi thích câu: ''Nghệ sĩ đến chết mới hết sáng tác ''. Vậy nên tôi chơi với các bạn trẻ chủ yếu là để tự học, tự rèn luyện theo thời gian... Có nhiều bạn cùng thời luôn luôn tỏ ra chê bai lớp trẻ. Tôi không thích vậy. Mỗi thế hệ có cách sống riêng, khả năng riêng. Văn chương nghệ thuật đỉnh cao thế giới tuy từ khỏi thủy là bao cấp nhưng rồi đến lúc nào đó cái vòng kim cô ấy đã phải tháo bỏ với quan niệm phim và sách là viết cho khán giả, độc giả. Có nghĩa theo thị trường. Nhưng thị trường thì cũng có cao, thấp, bình dân và cả hạ cấp. Thế hệ trẻ ngày càng có học thức, tiếp xúc tự do, thoải mái với thị trường văn hóa thế giới tiên tiến. Vậy ta hãy tin tưởng rằng họ không hề thua kém thế hệ cha ông, thế hiện tiến bối. Ai nghĩ ngược là bảo thủ, thủ cựu!...
-Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!...
Nguyễn Hữu Hồng Minh thực hiện

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1