Trả lời báo chí, nhà văn P. Mô-đi-anô nói, khi đó ông nghĩ là ai đó đoạt giải chứ không phải là mình. "Tôi cảm thấy như nhìn vào một đôi, như thể đang ăn mừng một người có tên giống tôi". Ông không thể lý giải vì sao họ lại chọn mình. Cảm giác giống như những sự kiện gây ngạc nhiên thường xảy ra trong cuộc đời, như đang ở trong một thế giới với những điều không có thật... Giới văn chương đánh giá Mô-đi-a-nô không cao, mặc dù ông đã được nhận giải thưởng Gôngcua năm 1978, giải Thành tựu trọn đời ở Pháp năm 2010; giải thưởng của Nhà nước Áo về văn học năm 2012.
Trong danh sách 210 nhà văn được đề cử năm nay, được rút dần qua các vòng, cuối cùng chỉ còn lại năm cái tên. Trong năm nhà văn cuối cùng trình lên Ban Giám khảo có những tên tuổi được giới chuyên môn và những tổ chức cá cược giải thưởng đánh giá cao, như Ha-ru-ki Mu-ra-cami (Nhật Bản), Phi-líp Rốt (Mỹ), Nơ-gu-gi Oa Thi-ông-ơ (Kê-ni-a), Xvét-lana A-lếch-xi-ê-vich (Bê-la-rút)...
Nhận giải Nô-ben văn học năm nay, P. Mô-đi-a-nô còn có một vinh dự ngạc nhiên khác là "chiếm" được hai con số đẹp: Là nhà văn thứ 11 của Pháp, thứ 111 của thế giới đoạt giải thưởng danh giá này! Nếu coi điều diễn ra là hợp lý, thì ta chỉ có thể căn cứ vào lời Pi-tơ Ing-lăn, người phát ngôn chính thức của Viện Hàn lâm Thụy Điển: "Pa-tờ-rích Mô-đi-a-nô viết trong truyền thống của Mác-xen Prút, nhưng thật sự theo cách của riêng Mô-đi-a-nô. Ông ấy là Mác-xen Prút của thời đại chúng ta".
Mác-xen Prút (1871-1922) người vùng Ô-tơi (Auteuil), Pháp, được đánh giá là nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 20.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất, nơi chứa đựng những hồi ức, những tâm tình triền miên, dạt dào cảm xúc về tình yêu con người và những khát vọng cao đẹp nhưng cũng chứa đầy những bi quan thất vọng. Thiên đường nếu có, chỉ là thiên đường tuổi thơ. Và khẳng định: "Những thiên đường thật là những thiên đường đã mất". Prút cũng nói: "Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập". Phải chăng, Ban Giám khảo thấy được và đánh giá cao một thế giới được sáng tạo qua hồi ức, và vì thế nó vừa hư, vừa thực, theo cách cảm nhận rất riêng của P. Mô-đi-a-nô! Nhà văn vừa đăng quang dành tình cảm ngưỡng mộ đối với An-be Ca-muy, đại biểu của chủ nghĩa hiện sinh, người đã có những sáng tác" đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta".
Pa-tờ-rích Mô-đi-a-nô sinh ngày 30-7-1945 tại Bu-lô-nhơ Bi-lăng-cua, ngoại ô Pa-ri. Cha ông là một doanh nhân Do Thái gốc I-ta-li-a. Mẹ là một nữ diễn viên người Bỉ. Ngoài những kịch bản phim, truyện thiếu nhi, gia tài văn học của ông đến nay là 20 bộ tiểu thuyết. Tiểu thuyết đầu tay được viết năm 1968 là Quảng trường Ngôi sao.
Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông là Phố những cửa hiệu u tôíđã được dịch giả Dương Tường dịch ra tiếng Việt. Nội dung chủ yếu trong tác phẩm của Mô-đi-a-nô là những hồi ức về thời kỳ phát-xít Đức chiếm đóng, nhớ về đứa em ruột là Ru-đi, chết năm 10 tuổi vì bị bệnh bạch cầu. Viện Hàn lâm Thụy Điển cho biết, giải thưởng có giá trị tám triệu cua-ron Thụy Điển (1,1 triệu USD) đã được trao cho người mang đến "nghệ thuật của ký ức, mà với nó, ông đã viết nên những số phận không được thấu hiểu và lột trần thế giới bị chiếm đóng (bởi Đức quốc xã)".