Sinh năm 1973, Phan Hồn Nhiên là nhà văn có kỹ thuật viết vào loại chuyên nghiệp nhất của thế hệ mình. Đó là kết quả của khóa học viết văn Quốc tế (IWP) tại Đại học Iowa, Mỹ năm 2011 và cả quá trình rèn luyện cá nhân của nhà văn.
Bình đẳng với văn chương phương Tây
Từ thập niên 1990 đến nay, Phan Hồn Nhiên là tác giả chuyên viết truyện dài dành cho giới trẻ, với các tác phẩm đăng trên Hoa học trò và Sinh viên Việt Nam. Chị nổi trội hơn hẳn so với mặt bằng chung nhờ lối viết cứng cáp hơn các tác giả đồng lứa, về sau pha trộn thêm yếu tố kinh dị, ly kỳ.
Từ Công ty, Mắt bão, đến Chiếc vòng đồng đen, Những đôi mắt lạnh, Xúc cảm nguy hiểm, The Joker… rồi bộ ba truyện khoa học viễn tưởng Máu hiếm, Luật chơi, Hiện thân - Phan Hồn Nhiên có ý thức xây dựng tác phẩm có lớp lang, nhân vật có số phận, tính cách rõ rệt, chọn chi tiết, không tỏ ra non tay, “tự nhiên chủ nghĩa” như nhiều người viết trẻ khác.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên
Chị chứng tỏ sức sáng tác khỏe, dày nhưng vẫn khiêm tốn ở chỗ chưa đặt chân vào địa hạt tiểu thuyết, mới dừng lại ở truyện dài. Rồi khi tiểu thuyết đầu tay Ngựa thép ra mắt tháng 3/2014, Phan Hồn Nhiên khiến độc giả ngỡ ngàng vì độ chín của lối viết, độ vững chãi và sâu sắc của câu chuyện.
Ngựa thép của Phan Hồn Nhiên được 2 dịch giả Nguyễn Đình Thành đánh giá là “có thể đứng bình đẳng với những tác phẩm văn học phương Tây”. Lâu nay, văn chương Việt Nam khi “xuất khẩu” đều vấp phải sự chênh nhau giữa văn hóa, phong cách văn chương và chất lượng các bản dịch không cao. Còn Ngựa thép sẵn có lối viết Tây nên dễ tiếp cận độc giả phương Tây hơn.
Anh Nguyễn Đình Thành cũng cho biết, dịch giả Đoàn Cầm Thi (hiện sống ở Pháp) đang dịch tác phẩm này ra tiếng Pháp.
Bìa tiểu thuyết Ngựa thép (nếu chật đất thì bỏ hình này)
Nhà văn “chiều” công chúng là người cơ hội
Viết văn là công việc cần cả ý thức và vô thức. Chính vì thế, nhà văn là nghệ sĩ, nhưng để làm nên tác phẩm thì phải có kỹ thuật của nghệ nhân.
Nhà văn có hai lựa chọn, một là chi phối kỹ thuật, hai là bị kỹ thuật chi phối. Những nhà văn Việt Nam sống hoặc chịu ảnh hưởng từ xã hội, văn hóa phương Tây đều rất chú trọng kỹ thuật viết, chẳng hạn nhà văn Phan Việt, một phó giáo sư giảng dạy đại học tại Mỹ, tác giả cuốn bút ký Xuyên Mỹ.
Với Phan Hồn Nhiên thì đơn giản là “làm chủ được kỹ thuật mới có thể sáng tạo nghệ thuật”. Chị nói về mình: “Người ta vẫn nói văn là người. Thời sinh viên, tôi viết hồn nhiên, theo nghĩa không làm quá lên. Sau này, tôi chú trọng đến kỹ thuật. Tôi nhận ra rằng trước khi viết văn thì phải biết kể chuyện đã. Quá trình tôi học lý thuyết là để áp dụng vào việc viết”.
Nếu vậy, có thể ví von ngòi bút của Phan Hồn Nhiên giờ đây đã “hết hồn nhiên”, theo nghĩa là trưởng thành. Ngựa thép không phải là cuốn sách có thể đọc nhanh, hiểu nhanh, nhưng có thể thỏa mãn những người đọc muốn thưởng thức câu chữ.
Nếu nhà văn trưởng thành thì độc giả được lợi. Mặc dù vậy, Phan Hồn Nhiên không đồng tình với cách viết chiều chuộng độc giả. Chị nói thẳng: “Tôi nghĩ viết mà nghĩ đến việc làm hài lòng công chúng thì đó là người viết cơ hội. Người viết nghiêm túc không nghĩ đến công chúng. Khi tác phẩm ra mắt, công chúng thương hay ghét thì là lựa chọn của họ”.
"Bản sắc Việt"
Ngựa thép được đặt tên theo hình xăm ngựa thép của một trong các nhân vật chính, chàng trai gốc Việt tên Sơn. Tiểu thuyết nói về cuộc sống của người Việt ở nước ngoài, một nhóm người “trống rỗng, hụt hẫng và thất lạc”, mất mát không chỉ vì tha hương hay thiếu tuổi thơ.
Với Ngựa thép, “bản sắc Việt” cần được hiểu theo nghĩa khác, không bằng những biểu hiện dễ thấy như áo dài, nón lá, bánh chưng… “Tác giả của nó là người Việt, đó chính là chất Việt” - dịch giả Nguyễn Đình Thành nói từ quan điểm “quốc tế hóa văn chương”.
|
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa