(TNO) Sau các cuốn tản văn 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội và tiểu thuyết Me Tư Hồng, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến lại tiếp tục chủ đề những câu chuyện đời sống Hà Nội theo dòng lịch sử qua cuốn tản văn mới Đi xuyên Hà Nội (NXB Trẻ ấn hành tháng 7.2015).
Ảnh bìa sách
|
Qua cuốn sách, người đọc được chứng kiến thêm Hà Nội của nhiều góc cạnh: những bước hình thành nên thành phố kiểu phương Tây do người Pháp lập, những thú chơi hay phong tục của thời trước, những thăng trầm lịch sử.
Có khi là câu chuyện nhiều ngổn ngang trong thân phận những ngôi biệt thự cũ giờ cái còn cái mất. Có khi là những phận đời nổi trôi theo thời cuộc: những nhà nho thất thế, một ông Tây say mê văn hóa bản địa và thành nhà Hà Nội học, những người con trai con gái của một thời yêu nhau trong sáng…
Những chuyện nho nhỏ thú vị về thời điểm giao thông Hà Nội bắt đầu có đèn tín hiệu giao thông, cầu Long Biên khởi dựng ra sao, ăn mày Hà Nội hay chợ búa thế nào… Hay những dấu mốc lịch sử của những cuộc chiến tranh diễn ra trên mảnh đất Hà Nội, mỗi lần đi qua là để lại những tác động nghiệt ngã lên dấu tích vật chất lẫn văn hóa sống của con người.
Cuốn sách là sự cố gắng nhìn vào bản chất của đô thị ở khía cạnh khoa học nhân văn gần gũi, có sự khảo cứu sâu rộng các nguồn tư liệu, nên độ hấp dẫn nằm ở chính sự sống động ấy. Tất cả dựng nên một cách tự nhiên chân dung một Hà Nội vừa tài hoa vừa xô bồ, cổ kính mà luôn đầy chất đương đại.
Nhận xét về cuốn sách, nhà phê bình Nguyễn Trương Quý nói: “Giọng văn thong thả, chậm rãi, có chút lãnh đạm làm tăng thêm cảm giác “truyền kỳ” của những câu chuyện lạ, nhất là những điều gợi nên suy ngẫm về khoảng cách giữa văn minh và u tối ở một đô thị vừa già cỗi lại vừa lắm nỗi ngây thơ... Nhiều chỗ tác giả chỉ đưa ra những con số và sự kiện mà người đọc cũng nghẹn ngào. Vì nỗi thương mình đã sống trong hoàn cảnh đó, hay thương một xã hội đô thị nhiều dâu bể? Trong cuốn sách này, tính chuyển động, sự trôi dạt nổi lên như một yếu tố chính. Rất nhiều lần Nguyễn Ngọc Tiến nhấn mạnh tới tính động của dòng chảy đời sống Hà Nội. Nó vừa bảng lảng lại vừa trần trụi. Nó đẫm đầy chất tiểu thuyết”.