Nhà văn Haruki Murakami: Tìm vui trong cõi chết

13:42:00 19/10/2014
Khi sống, hẳn nhiên lúc nào đó, bạn sẽ nghĩ về sự chết. Có những cái chết chôn vùi thể xác, cũng có cái chết khi đang sống - điều gì đó chẹn lại ngừng nhịp, biết mà chẳng muốn thoát ra - như nhân vật Tazaki Tsukuru, trong tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Haruki Murakami: Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương, vừa ra mắt ở VN.

Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương do Uyên Thiểm chuyển ngữ, NXB Hội Nhà văn ấn hành cuối tháng 9/2014

Những tổn thương cần được chữa lành

Haruki Murakami, nhà văn viết tiểu thuyết từ tâm tưởng. Như thể lựa chọn cho phong cách của mình, ông sống đời lặng lẽ sau trang viết. Với một ngôi nhà ven biển, giao lưu bên ngoài thông qua vợ hay người biên tập viên mẫn cán, những hành trình chạy bộ một mình…, ông thử thách sự kiên nhẫn trường lực về thân xác. Đó cũng có thể là một kiểu thiền.

Chạy, bước chân này nối tiếp bước chân kia, nhận biết mỗi rung động cơ, nhận biết từng luồng nghĩ. Việc chạy, dễ liên tưởng tới việc sáng tạo văn chương đặc trưng Haruki Murakami, mỗi cuốn tiểu thuyết, là một thử sức vượt qua chính mình, nhưng không có vẻ gì là cực nhọc, thay vào đó, sự ung dung tĩnh tại bao phủ. Đọng lại trong người đọc là những chi tiết được miêu tả kỹ lưỡng từ một sự quan sát chặt chẽ, không bỏ sót bất cứ cử động nào của bao luân chuyển sống xung quanh.


Nhà văn Haruki Murakam

Tiểu thuyết của Haruki Murakami, ngày mỗi ngày, tháng mỗi tháng, theo sự đào sâu tâm thức của chính tác giả, cứ lắng đọng lại, và chìm trong muôn ngàn thế giới giả tưởng, được khởi sinh từ biến trạng của mọi ý nghĩ cảm xúc.

Đến với tiểu thuyết của Haruki Murakami, sẽ bước vào “nơi tận cùng thế giới” (tên một cuốn tiểu thuyết của ông) hay lạc vào năm kỳ lạ trong một ngọn nguồn kỳ lạ không khởi sinh không nơi chốn không không gian, tất cả là nỗi nhớ tiền kiếp, sự kiếm tìm hình ảnh của người yêu mộng mị như tìm lại bản thể bên trong mình ở “1Q84”.

Mỗi nhân vật, đều giống nhau ở sự cô đơn tận cùng, gọn gàng trong cách sống, rất ít khi bám chấp vào vật chất bên ngoài. Mỗi người đều mang một nỗi đau sâu xa, như một sự thương tổn sâu sắc cần được chữa lành. Ai cũng mong manh giữa bờ vực của sự chết. Để rồi tìm cách thoát ra và sống tiếp.

Haruki Murakami, đóng vai một người quan sát, luôn phân tách mọi trạng thái cảm xúc đan xen giữa bao ý nghĩ dẫn lối không ngừng nghỉ. Như một tay phẫu thuật tâm lý tâm linh điêu luyện, Haruki Murakami mổ xẻ từng khối u trong tính cách con người.

Ở một chiều nhìn, tiểu thuyết của Haruki Murakami, mang tính Thiền vô cùng sâu sắc.


Bìa cuốn Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương

Đằng sau cái chết là sự sống hồi sinh

Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương mang vẻ u buồn cô đơn trong lặng lẽ. Tazaki Tsukuru cũng ngơ ngẩn trong miệng vực cái chết, ngần ngừ muốn mà không thể lao vào. Nỗi đau đớn tận cùng hoàn toàn có thể bắt nguồn từ một câu chuyện nào đó, giả dụ bị nhóm bạn Xanh, Đỏ, Trắng và Đen (mỗi người bạn lại mang một cái tên có màu) bỗng nhiên đoạn tuyệt mà không có bất cứ lý do gì. Và cậu sinh viên năm thứ nhất ấy, phải tự làm một chuyến hành hương, vào bên trong cơn thống khổ ủ mầm tấy nhức không bùng cháy mà đủ làm vẩn đen cuộc sống của cậu, để tìm ra nguyên cớ thực sự.

Bạn đã khi nào tự hỏi, con người gắn kết với nhau vì điều gì? Có phải là từ quyền lợi vật chất lợi danh? Có phải từ sự vui sướng hay thỏa mãn mọi ham muốn tình dục? Sâu xa hơn, là trách nhiệm từ vai trò mỗi người nắm giữ giữa gia đình và xã hội?...

Tất cả chỉ là bề mặt, để cố tạo ra hợp lý có thể giải thích được. Cuộc sống này nhiều mối nối rắc rối đến nỗi, tất cả logic hay ngôn ngữ đều bất lực. Tazaki Tsukuru tìm kiếm để nhận ra, con người gắn kết với nhau chính bởi những tổn thương tinh thần cùng nỗi đau không bao giờ lành.

Thế nên, tưởng ban đầu các mối quan hệ diễn ra quá ngọt ngào, êm đềm, thì ngay sau đó là rạn vỡ, có thể đưa con người tới bờ thất vọng, khi không còn điểm níu giữ, chẳng còn bất cứ tha thứ nào hay tình yêu thương nào xoa dịu, thì tận cùng là vực chết.

Rất nhiều khi, con người ta vật vờ trong thống khổ, lại bởi nguyên do mù mờ chập chờn linh ảnh trong mộng ảo. Chúng ta đau đớn bởi u mê không nhận biết được bản chất vấn đề. Nếu mọi sự đã rõ, tất cả sáng tỏ, câu trả lời đã có, không còn gì để nghĩ, để tưởng tượng, để thổi phồng lo lắng sợ hãi trong hão huyền, thì như ngọn đèn sáng trong đêm tối, như ánh nắng chiếu qua đường hầm, rất có thể sự sống lại hồi sinh.

Rồi đến một ngày, như nhân vật chính của tiểu thuyết Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương , bạn cũng tìm được câu trả lời cho mất mát của mình, lắm khi trả giá bằng bao trôi lăn trong vực thẳm chốn đời, bằng xương thịt máu nước mắt hay chính sự ngắt quãng kết nối với tất cả những thực thể sống khác… chỉ nhận lại một sự thật giản đơn có thể rất nực cười, bi hài, thì bạn hãy thứ tha cho tất cả.

Chạm mặt cái chết, bạn chẳng mang đi được gì, chỉ có sự tha thứ thông cảm và yêu thương, mới làm cho cái chết chỉ là ngắt quãng cho bước chuyển của sống.

Và sống như thể đã từng chết, để thấy chết cũng có thể mang về niềm vui.

Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1