Huyền thoại bắt nguồn từ sự thật

07:53:00 19/10/2014
(Đọc tiểu thuyết “Thần thuyết của Người Chim” (NXB Trẻ, 2014), nhà văn Văn Lê)
Ơi, hồn
Xin hồn đừng lang thang nơi đồng bưng, hoang phế,
Xin hồn đừng cô đơn nơi bể cả, non cao
Xin hồn hãy về mau,
Giúp cháu con bảo vệ nòi giống Lạc
(Tử thần điệu, giá đồng làng Thượng Chùa)

Cùng lời đề tựa “Không có huyền thoại nào là không được bắt đầu từ những sự thật” đã mở đầu cho cuốn tiểu thuyết mà bối cảnh bắt đầu từ thời Văn Lang Âu Lạc.

Cuốn tiểu thuyết dày hơn 600 trang, được viết bởi nhà văn sinh năm1949 tại Ninh Bình. Ông đạt nhiều giải thưởng văn học của Hội Nhà Văn Việt Nam, Văn học TP Hồ Chí Minh, Tuần báo Văn Nghệ, Giải thưởng Văn học Bộ Quốc Phòng…, là tác giả của hơn 10 cuốn tiểu thuyết. Có thể nói, nhà văn Văn Lê đã sở hữu gia tài văn chương đồ sộ, nhưng ít người biết đến.

Câu chuyện xảy ra vào cuối thời Lạc Nghị Vương (Vua Hùng Vương thứ 17), kể về giống người Chim thờ chim Thần Lạc, trống đồng và có tục thờ Mẫu. Nằm trong chế độ mẫu hệ, con mang họ mẹ. Và lễ hội cổ như “Đâm vật giống” hay còn gọi là Nõ Nường (vẫn tồn tại đến ngày nay) là nơi chắp nối cho lứa đôi.


Qua cách viết của nhà văn Văn Lê, dường như tâm tính người Việt xưa vẫn được di truyền cho đến nay. Vẫn vẻ chịu thương chịu khó chân chất pha phần ương ngạnh, đầy buồn thương khi phải rời quê hương đến vùng đất mới khai phá đất hoang lập làng.


Vật Tổ của người Chim là chim Lạc, hay còn gọi chệch chim Hạc. Lạc là giống chim thần đầu nhỏ óc sáng, “cảm được trời đất, cảm được gió mưa tai họa” nên bay trước dẫn đường khi người Chim rời quê hương.

Để đồng hóa dân Việt sau khi chiếm đánh Âu Lạc, Triệu Vũ Đế giết các hầu tướng, thiêu hủy cuốn Thần thuyết của người Chim cùng văn tự, chữ nghĩa, quốc thống và đập phá các cột đá phân chia ranh giới giữa các bộ lạc. Thần thuyết của người Chim làm sống lại tinh thần yêu nước đằm thắm, mà kiên cường cùng sự tự hào dòng giống của người dân Âu Lạc xưa, mà tiêu biểu là giống người Chim.

Tiểu thuyết được viết với chất giọng giản dị, dễ hiểu. Nhằm kể chuyện nhiều hơn là làm văn. Không nhận ra phong cách của người viết văn ẩn phía sau, thế nên, đọc để biết hơn là để cảm.

Quỳnh Trang
Thể thao & Văn hóa

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1