Văn học Việt Nam gần ba chục năm qua không thể không nói tới nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với hàng loạt truyện ngắn đưa tên tuổi ông vang danh khắp trong, ngoài nước. Trong đó, các truyện Tướng về hưu, Không có vua… là dấu mốc mở đầu cho văn học thời đổi mới. Một số nhà văn cho rằng, nền văn học chúng ta còn nợ ông một giải thưởng lớn tầm quốc gia. Không chỉ truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp viết tản văn, bình văn khá sâu sắc và độc đáo. Thời gian gần đây ông còn làm thơ, bình thơ và hai nhà thơ dân gian Đồng Đức Bốn và Nguyễn Bảo Sinh được ông đánh giá khá cao.
Một Nguyễn Huy Thiệp dễ gần và dễ lạ ở xóm Cò
Hôm mới rồi, mang mấy đồng nhuận bút còm của báo Nghệ Thuật Mới đến thăm “Tướng về hưu” Nguyễn Huy Thiệp, tôi phải đi lòng vòng qua gần chục con ngõ quanh co của một ngôi làng cũ nằm ở xóm Cò, làng Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ngôi nhà của ông cũng phong phanh, chân chất, giản dị, như chủ nhân của nó. Nguyễn Huy Thiệp vốn dễ gần và cũng dễ lạ. Gần là bởi cái giọng nói thào thào, cũ cũ và dáng điệu chất phác của ông. Lạ là bởi cái tư duy sắc sảo, phá cách, đổi mới và không chấp nhận sự bằng phẳng, rỗng mòn, cũ kỹ trong văn chương của ông.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bên các đĩa sứ in thơ.
Trông vẻ bên ngoài, Nguyễn Huy Thiệp cứ thù là, thù lù như một ông già phó thường dân quê kệch, có thể sẵn sàng lẫn vào cái đám đông bụi bặm, cần lao nơi phố thị không mấy sủi tăm. Nhưng bên trong con người văn nhân lão thực của ông, tôi thấy thấp thoáng một triết nhân lạnh lùng với những suy tư khá độc đáo và vượt lên trên mọi kiến giải nhân sinh đã định hình. Vậy là cái gần gũi cứ trộn lẫn với cái xa lạ, cái dễ hiểu trộn lẫn với sự khó hiểu, cái chừng mực trộn lẫn với sự thông tuệ vượt lên mọi khuôn phép... phải chăng đã làm nên một phong thái, một phong văn Nguyễn Huy Thiệp.
Thấy khách đến chơi, biết tôi là người làm thơ, Nguyễn Huy Thiệp thân mật giới thiệu với tôi mấy chiếc bình gốm sứ mới, khá đẹp trên có vẽ tranh và đề thơ của một số nhà thơ nổi tiếng đời Đường (Trung Quốc) và Việt Nam. Tôi khá bất ngờ khi biết đây là những chiếc bình gốm sứ do tự tay ông làm, tự vẽ tranh, đề thơ. Tiếp theo, nhà văn hồ hởi kéo tôi vào phía buồng trong, chỉ tay bảo: “Vào đây, tôi cho ông xem đống đĩa gốm sứ này hay lắm”. Rồi ông lấy từ ngăn tủ xuống, lôi từ trong gầm giường ra, cả đống sản phẩm đĩa gốm sứ do chính tay ông vẽ cảnh, đề thơ và đích thân ông mò sang tận lò gốm bên Bát Tràng giám sát việc sản xuất.
Không chỉ như các cụ xưa nói “nghề chơi cũng lắm công phu” mà ở đây phải nói rằng “Nghề thơ cũng phải lao tâm, khổ tứ trăm bề”. Chỉ vì tình yêu hội họa và say mê thơ (loại thơ hay đích thực chứ không phải thơ rởm!), Nguyễn Huy Thiệp đã bỏ công sức, tiền của ra làm tới vài trăm đĩa gốm sứ, trên có tranh do ông vẽ và có thơ của các nhà thơ nổi tiếng xưa nay. Ngoài ra, ông còn vẽ tranh và đề thơ trên nhiều loại bình gốm sứ bày trong nhà. Với phong độ thế này, nếu ở nước ngoài, Nguyễn Huy Thiệp hẳn đã giàu to vì cái ý tưởng hào hoa chơi thơ, chơi tranh trên đĩa gốm sứ. Nhưng ở “Việt thi quốc” như chúng ta, nơi cứ “ra cổng là gặp nhà thơ” và là nơi “Người người làm thơ/Nhà nhà in thơ/ Ta nhất định thắng/Thơ nhất định thua” thì việc đề thơ, vẽ tranh trên gốm cũng không thể nào phát đạt được.
Lần lượt, Nguyễn Huy Thiệp bày la liệt ra sàn nhà một loạt đĩa sứ, chỉ cho tôi xem đây là đĩa sứ đề thơ Bạch Cư Dị, đây là đĩa sứ đề thơ Lý Bạch, thơ Mạnh Hạo Nhiên, còn đây là đĩa sứ đề thơ của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, của Nguyễn Bỉnh Khiêm, của vua Lê Thánh Tông... và cả đĩa đề thơ Nguyễn Huy Thiệp trong vở kịch Vong Bướm của ông, “Ta đã phó thác mình cho quỷ dữ... để đổi lại ta chỉ đòi tỉnh thức”. Giới thiệu về các thi hào đời Đường, ông đọc cho tôi nghe từng nguyên tác chữ Hán và lời dịch sang tiếng Việt. Ông vẽ trên đĩa gốm sứ cả tác phẩm “Sông Đông êm đềm” của văn hào Nga Sholokhov và tranh của danh họa Van Gogh. Đặc biệt, có khá nhiều chân dung tự họa của Nguyễn Huy Thiệp vẽ trên gốm và tất cả các bìa sách của ông được nước ngoài in, ông đều vẽ lại trên đĩa sứ.
Tôi thích chiếc đĩa in bản minh họa đầu tiên của họa sỹ Đỗ Phấn cho truyện ngắn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp năm 1987. Khi tôi hỏi nhà văn có ý định gắn vài trăm cái đĩa sứ này lên bốn bức tường trong phòng viết của mình như một tay chơi hào hoa hay không? Nguyễn Huy Thiệp lắc đầu, ông cười: “Để bán dần cho anh nào thích sưu tầm”. Tôi nói vui: “Bác không phải chờ lâu đâu, chắc sẽ có một nhà sưu tập giàu có, mê văn Nguyễn Huy Thiệp, sẵn sàng đổi một phần gia sản của mình lấy số đĩa quý giá này, vì nó có dấu ấn sáng tạo độc nhất vô nhị của nhà văn, và sau một thế kỷ nữa nó sẽ trở nên vô giá”.
Cuốn tiểu thuyết võ hiệp có nhiều thơ
Về nghề văn, ngoài các tác phẩm nổi tiếng làm nên tên tuổi lừng danh của mình trước đây, dường như dạo này, Nguyễn Huy Thiệp không viết được gì thêm. Trao đổi với tôi về việc này, ông trải lòng: “Dạo này mình cũng chẳng thiết viết gì nữa! Viết văn đến cái độ nào đó thì cũng phải biết thôi, biết dừng lại, phải biết tiết chế chứ, mình có phải vô địch thiên hạ đâu? Viết nhiều, bọn trẻ nó cũng coi thường và cũng phải nhường đất cho bọn trẻ họ viết. Cũng như hồi mình mới xuất hiện, lúc nào mình cũng thấy ông Nguyễn Đình Thi, ông Nguyễn Khải... mình cũng chán chứ. Bây giờ lại tới lượt Nguyễn Huy Thiệp cứ lù lù ra đấy, bọn trẻ nó cũng chẳng ưa đâu. Do vậy, mình rút dần vào vô minh...”.
Tôi đặt câu hỏi: “Độc giả và dư luận hình như vẫn còn đợi nhà văn ở mảng tiểu thuyết, ngoài cuốn “Tuổi hai mươi”, ông còn cuốn nào không?”. Nguyễn Huy Thiệp chậm rãi: “Tiểu thuyết ư! Hiện vẫn còn cuốn “Bên rìa nước” bên công ty Nhã Nam đang xin giấy phép. Cuốn tiểu thuyết viết theo kiểu võ hiệp này tôi viết trong 10 năm. “Bên rìa nước” là những chuyện hiệp nghĩa, khôi hài và hoang đường chép bên rìa nước kinh thành. Tiểu thuyết chưởng này gồm 16 chương. Trước kia tôi viết cuốn “Võ lâm ngoại sử” chỉ là bản nháp thôi, chưa phải là tác phẩm hoàn chỉnh như cuốn này. Đây cũng là cuốn sách kén độc giả. Tôi chủ trương in cũng được, không in cũng được, cũng tốt...”.
Tôi lật qua ít trang bản thảo cuốn “Bên rìa nước”, thấy có nhiều đoạn viết như thơ, bèn hỏi nhà văn. Nguyễn Huy Thiệp bảo: “Đây không phải là thơ bình thường. Đây là thơ kệ, đây là tổng hợp của nhiều loại thơ cổ của Việt Nam. Các ông làm thơ thời “công-nông-binh” hiện nay cũng có cái hay của nó. Nhưng ngày xưa, tôi cho rằng, người xưa coi thơ là mẹ của mọi thể loại. Nó là ngôn ngữ tối thượng, cao quý và cao nhất. Và, người xưa mới đầu học làm thơ 2 chữ: “Vào làng/Xin thịt/Ra làng/Xin xôi” rồi thơ 3 chữ: “Đi bên sông/ Về bên sông/Trồng cây cải/Bơi đò ngang/Một đò ngang/Hai ngang đò”, tiếp đến thể thơ 4 chữ và 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, 9 chữ. Và thơ lục bát Việt Nam nó giống như thể thơ Hai-ku của Nhật Bản. Nó là quốc hồn, quốc túy. Và, lục bát nó giống như chính trị, giống như giáo dục, giống như... mọi thứ nọ, kia. Nó có Bắc tông và Nam tông. Bắc tông là học dần dần theo hệ tiệm ngộ, học theo tuổi, theo trình độ học thức, nên nó có lớp 1, lớp 2 và các lớp cao hơn, rồi đại học, từ từ mà lên. Còn Nam tông là học từ kiếp trước, tức là nó đốn ngộ, giác ngộ trong một phút sát-na thôi mà thông hiểu hết. Nên tôi thích thơ Đồng Đức Bốn là vì thế. Nó có được học hành gì đâu, lớp 6 không xong, làm thơ là làm trong đầu, tay run lẩy bẩy có viết nên hồn đâu mà tại sao nó có những câu thơ kỳ lạ thế. Nó là thằng đốn ngộ. Nó có học thầy nào đâu. Thầy của nó là cuộc đời. Nên nó có những câu thơ xuất thần kiểu đốn ngộ:
Cái đêm em ở với chồng/ Để ai hóa đá bên sông đợi đò/Cái đêm hôm ấy gió mùa/Tơ nhện giăng đến cổng chùa thì tan/Cái đêm lành lạnh gió mùa/Em trong chăn ấm có đùa với ai.../Ngang trời tiếng vạc mảnh mai/Chém trăng đã đứt thành hai mảnh rồi/Mảnh nào em để cho tôi/Khi buồn chỉ đặt ngang môi làm kèn...”.
Kỳ 2: Đồng Đức Bốn - Những câu thơ “đốn ngộ” từ ông thầy cuộc đời
Nguyễn Việt Chiến