Từ những thần thoại
Trong dân gian cũng như nhiều tiểu thuyết kiếm hiệp, phim ảnh hay ở những tài liệu Phật giáo thì thuật khinh công Thiếu Lâm vô cùng huyền diệu, thường chỉ có ở những người đạt trình độ võ công thường thừa.
Một số tài liệu Phật giáo cho biết, vào năm 527 khi tới thăm Thiếu Lâm Tự ở Tây Tạng, vị cao tăng Bồ Đề Đạt Ma của phái Thiếu Lâm đã trổ tài khinh công hàng giờ trước sự chứng kiến của các đồ đệ.
Một cao tăng thi triển màn khinh công Phi Thiềm Tẩu Bích.
Vị cao tăng này còn thi triển một tuyệt chiêu đó là chạy trên mặt nước, một tuyệt kỹ được gọi là “Thủy thượng phiêu” hay cũng còn có cách gọi khác là Nhất vi bộ giang (Một bước qua sông).
Theo truyền thuyết, vị cao tăng này có thể vượt qua cả dòng sông Trường Giang chỉ với … một cọng cỏ lau.
Ngoài ra, trong những giai thoại còn có một số nhà sư đạt cảnh giới thượng thừa với khinh công siêu phàm, đủ sức Phi Thiềm Tẩu Bích, nhảy lên nóc chùa, ngày đi được mấy trăm dặm…
Một số tuyệt kỹ khinh công khác mang tên rất ấn tượng như Đạp tuyết vô ngân công (đi trên tuyết không để dấu chân), Bích hổ du tường (trườn lên vách tường đứng như thằn lằn), Lưu tinh bộ công (đi lẹ như sao băng), Bào bản công (chạy trên vách đá dựng đứng).
Xem cao tăng Thiếu Lâm biểu diễn chạy trên mặt nước:
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Nhiều người còn truyền nhau rằng, nếu luyện đến tuyệt đỉnh thì có thể đạt được cảnh giới tự giải phóng ý thức của con người và nâng cơ thể lên không trung.
Hay như miêu tả một cách “mĩ miều” giống trong truyện kiếm hiệp thì cao thủ khinh công sẽ có thân thể “nhẹ nhàng như bướm lướt cành, như én qua rèm. Chạy trên tuyết, tuyết chẳng hề in dấu chân, băng qua nước, nước chẳng hề gợn sóng”…
Đến khả năng thực tế
Có lẽ những câu chuyện tiểu thuyết, phim ảnh đã “hư cấu” và thổi phồng khả năng thực của thuật khinh công.
Trên thực tế, khinh công là công phu về thân pháp, nghĩa là tập luyện làm cho cơ thể người tập đạt tới một sự nhẹ nhàng trong di chuyển, khiến người tập có thể nhảy cao hơn chạy nhanh hơn so với người bình thường.
Nếu chăm chỉ rèn luyện thì khinh công cũng sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho sức khỏe cũng như cho khả năng chiến đấu.
Trên thực tế, một số võ sư cũng tập luyện một kỹ thuật thấp hơn của khinh công là khinh hành (đi bộ cực nhanh), khá phổ biến tại các khu vực có địa hình phức tạp ở Trung Hoa, Nhật Bản.
Biểu diễn màn khinh công Thủy thượng phiêu.
Các môn đồ của khinh hành có thể đi lại rất nhanh và an toàn ở những nơi núi non hiểm trở, bằng kỹ thuật phi thân (nhảy) hoặc chạy trên quãng đường dài và nhanh hơn người thường.
Hiện nay, có không ít những võ tăng Thiếu Lâm và cả một số môn phái khác (trong đó có một số môn trong võ cổ truyền Việt Nam) vẫn luyện tập thuật khinh công với 2 tuyệt chiêu nổi bật nhất là Phi Thiềm Tẩu Bích và Thủy Thượng Phiêu.
Những người tập Phi Thiềm Tẩu Bích có khả năng chạy lướt trên độ cao 5m, tường dốc 85 độ mà vẫn như đi trên đất bằng.
Hay một võ sư tập Thủy Thượng Phiêu có khả năng chạy trên mặt nước (có trải chiếu hoặc một lớp ván mỏng bằng gỗ) với quãng đường khoảng hơn trăm mét.
Theo các nhà nghiên cứu võ thuật hiện đại, khinh công trong thực tế không thần bí và ảo diệu giống như các tiểu thuyết kiếm hiệp. Và tất nhiên, không thể đạt tới trình độ phi thân nhanh như một mũi tên hay đạp trên mặt nước.
Trong quá khứ, một số tài liệu có ghi chép rằng đã từng có giáo sĩ Bà La Môn ở Ấn Độ, người luyện Yoga, và Phật giáo hay các thuật sĩ và ẩn sĩ cũng có thể khinh công và lơ lửng trong không khí.
Tuy nhiên dưới góc nhìn khoa học thì những màn biểu diễn này thực chất chỉ là những trò ảo thuật.
Đến nay thậm chí theo sách kỷ lục Guinness thì cũng chưa từng ghi nhận một trường hợp nào có thể thực hiện được những khả năng này.
Tập khinh công như thế nào?
Trong sách "Ngũ Đài Trân Tàng Bí Bản" có ghi lại cách tập luyện thuật khinh công, theo đó cách tập luyện sẽ trải qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: dùng một cái ang (loại chậu cảnh lớn) đổ đầy nước vào, chân buộc những túi vải có đựng chì nặng rồi ta bắt đầu đi vòng quanh trên miệng ang đó.
Mới bắt đầu rất khó giữ thăng bằng nên phải bước chậm, sau quen dần có thể bước nhanh và chạy được.
Lúc ấy múc một ít nước ra và chân mang thêm chì rồi cứ thế mà tập khi ta di chuyển trên ang một cách nhẹ nhàng không trở ngại ta bớt nước thêm chì mà vẫn chạy quanh được trên ấy thì ta đã thành công.
Giai đoạn 2: Thay cái ang bằng một cái chảo lớn có đế tròn, đổ đầy sắt vụn hoặc đá hòn nhỏ, rồi người mang thêm chì, bắt đầu tập y như trên chạy quanh miệng chảo.
Lần lần tuần tự ta lấy bớt sắt, đá ra, người mang thêm chì, đến ngày nào ta chạy quanh miệng chảo trống không một cách nhẹ nhàng thì qua giai đoạn ba.
Giai đoạn 3: Lấy cát đổ thành một con đường nhỏ dầy độ vài cm, trên mặt cát lót mấy lớp giấy, rồi ta bắt đầu tập chạy trên đường cát đó.
Ban đầu bàn chân ta đạp thủng và có vết trên cát. Nhưng cứ nhẫn nại tập luyện lâu dần giấy không bị thủng nữa.
Đến khi lấy bớt một lớp giấy ra đến khi không còn một.lớp giấy nào và trên cát cũng không cỏ dẩu chân là công phu đã hoàn thành.
Một số tài liệu cũng có ghi chép về cách tập khác:
Tập đứng lên, ngồi xổm xuống bằng cách đeo thêm bao cát hoặc vật nặng để tăng thêm sức chịu đựng cho đôi chân. Vật để treo cứ nặng dần theo thời gian mà vẫn đứng lên ngồi xuống tự nhiên là đã thành tựu.
Hoặc có thể đào một chiếc hố rồi người tập đứng giữa hố nhảy lên nhảy xuống nhiều lần từ 10 lần 100 lần tới 1000 lần… Sau một thời gian lại đào hố sâu thêm rồi cứ y thế mà tập. Hố càng sâu thì thành tựu càng lớn…
Tóm lại, những cách tập này cũng chỉ nhằm mục đích rèn luyện thân pháp nhẹ nhàng, nhanh nhẹn hoặc có thể nhảy cao, nhảy xa, giữ thăng bằng hay tiếp đất từ độ cao lớn tốt hơn hẳn so với người thường.
Để đạt tới trình độ ảo diệu như trong các câu truyện kiếm hiệp là điều gần như không thể.