Ngày 14/7, cuốn tiểu thuyết thứ hai, Go Set A Watchman , của nữ văn sĩ Mỹ Harper Lee (89 tuổi), mới có mặt trên thị trường song hiện nó đã gây sốt trên Amazon.com. Hôm 9/7, trang mạng này thông báo Go Set A Watchman đã trở thành tác phẩm được đặt trước nhiều nhất kể từ sau tập truyện cuối cùng trong loạt tiểu thuyết Harry Potter với con số lên đến 2 triệu bản.
Xuất bản cuốn Go Set A Watchman được coi là sự kiện văn học của thập kỷ. Đây là tác phẩm được đặt mua trước nhiều nhất trong lịch sử của nhà xuất bản HarperCollins.
Tranh cãi
Tuy nhiên, trước khi tác phẩm được xuất bản lại rộ lên thông tin khẳng định bản thảo tiểu thuyết này được phát hiện sớm hơn 3 năm so với thời điểm luật sư của Lee thông báo.
Thông tin mới đang làm giảm đi tính “huyền bí” về việc tái “phát lộ” bản thảo Go Set A Watchman , cuốn tiểu thuyết thứ hai bị thất lạc đã lâu của Lee, nhà văn sống ẩn dật và từng gặt hái thành công lớn với Giết con chim nhại.
Bìa cuốn tiểu thuyết Go Set A Watchman
Thông tin về thời điểm tìm thấy bản thảo Go Set A Watchman “thổi bùng” lên những hoài nghi về thời điểm phát hiện bản thảo và những động cơ xuất bản cuốn truyện.
Hiện tại nhà văn phải ngồi xe lăn, mắt gần như bị mù, tai điếc và sống trong một khu dưỡng lão. Trước đó, bà từng khẳng định không hề muốn thấy bất cứ một tác phẩm nào khác được xuất bản khi bà còn sống.
Theo New York Times, Justin Caldwell, chuyên gia về sách hiếm của hãng đấu giá Sotheby’s đã tới Alabama hồi năm 2011 để thẩm định bản thảo đánh máy cuốn Go Set A Watchman . “Tháp tùng” ông là luật sư Carter và Samuel Pinkus, đại diện văn học của Lee lúc đó. Ông Pinkus khẳng định, ông và luật sư Carter đã đọc bản thảo cuốn truyện cùng Caldwell.
Khẳng định của Pinkus mâu thuẫn với tuyên bố của Carter, rằng bà mới tìm được bản thảo cuốn truyện hồi tháng 8/2014.
Đáp lại, Carter cho biết đúng là bà có mặt tại cuộc gặp Cadlwell và Pinkus hồi năm 2011 theo yêu cầu của Alice Lee, tuy nhiên bà không có mặt khi bản thảo cuốn truyện được thẩm định. “Cứ cho là Pinkus đã phát hiện ra bản thảo cuốn Go Set A Watchman vào thời điểm đó, nhưng ông ta không hề nói với tôi cũng như Alice và Lee”.
Pinkus đã bị Carter sa thải và bị Lee kiện hồi năm 2013 với cáo buộc ông đã lừa bà trong một cuộc chuyển nhượng bản quyền cho công ty của mình. Vụ kiện này sau đó được giải quyết bên ngoài tòa án.
Dù Pinkus có khẳng định thế nào thì nhà xuất bản HarperCollins vẫn ủng hộ Carter. Trong khi trước đó, giới chức Alabama, quê hương của Lee, cũng tiến hành cuộc điều tra trước những cáo buộc cho rằng Lee bị ép xuất bản cuốn truyện. Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với bà tại nhà dưỡng lão, họ kết luận rằng Lee ưng thuận xuất bản.
Nữ văn sĩ Harper Lee hiện phải ngồi xe lăn
“Muốn được chết nhanh chóng và nhân từ trong tay giới phê bình”
Song chắc chắn là thế giới không được nghe sự khẳng định đó trực tiếp từ chính nhà văn. Bà không trả lời bất cứ cuộc phỏng vấn chính thức nào từ giữa những năm 1960.
Cho đến nay, tiểu thuyết Giết con chim nhại, đã tiêu thụ được hơn 40 triệu bản trên toàn cầu, kể từ khi được phát hành hồi năm 1960. Được biết, cuốn Go Set A Watchman được Lee viết trước, song lại có bối cảnh 20 năm sau câu chuyện trong cuốn Giết con chim nhại.
Lee là người sống ẩn dật và thậm chí có người còn nghĩ rằng bà đã chết. “Tôi vẫn sống, tuy nhiên sống trầm lặng” – Lee phản ứng.
Những người biết rõ Lee đều nhấn mạnh, không giống với nhà văn J.D. Salinger (tác giả cuốn Bắt trẻ đồng xanh), Lee không “ẩn” mình với thế giới, mà đơn giản chỉ từ chối các cuộc phỏng vấn của báo giới. Salinger đã viết và xuất bản nhiều cuốn truyện, còn Lee không hề có tác phẩm nào sau cuốn Giết con chim nhại. “Tôi đang viết, nhưng rất chậm” – Lee từng giải thích về sự chậm chễ của mình.
Tuy nhiên sau đó bà không hề viết tiếp cuốn nào và sống ngày càng ẩn dật hơn. Tại sao? Nhiều người cho rằng lượng sách bán ra của cuốn Giết con chim nhại cao ở mức hiện tượng và tác phẩm này đã “gây bão” trong làng xuất bản, trong khi Lee lại không thích sự “ồn ào” đó và bà cảm thấy mình không thể tung ra một tác phẩm có được chất lượng như cuốn đầu.
Cuối cùng, bà đáp lại sự thành công của cuốn Giết con chim nhại bằng sự “im lặng hoàn toàn”. “Tôi như rơi vào tình trạng tê liệt, như thể bị một cú đánh vào đầu. Tôi muốn được chết nhanh chóng và nhân từ trong tay giới phê bình” – Lee từng giải thích.
Harper Lee từng có ý định in 6 tiểu thuyết sau cuốn Giết con chim nhại
Năm 1958, trong bức thư gửi cho người bạn, Harper Lee bày tỏ bà định viết thêm một loạt tiểu thuyết sau khi phát hành cuốn Giết con chim nhại (1960).
Trong thư, Lee liệt kê ra 6 ý tưởng viết truyện mà bà nghĩ chúng sẽ “ngốn” của bà 15 năm kế tiếp, trong đó có 1 cuốn viết về chủng tộc, 1 cuốn viết về thời Victoria, 1 cuốn viết về Liên hiệp quốc và 1 cuốn viết về Ấn Độ.
Tuy nhiên, sau Giết con chim nhại, Lee không tung ra thêm bất cứ cuốn truyện nào.
|
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa